Theo Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ sớm ban bành quy định cụ thể, quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương khi xảy ra tình trạng xe chở quá tải lưu thông trên địa bàn. Đặc biệt, cho phép lực lượng chức năng lập biên bản khóa xe cưỡng bức hoặc đưa về bãi tạm giữ theo quy định, trong trường hợp chủ phương tiện hoặc lái xe chống đối, không xuất trình giấy tờ, khóa cửa xe bỏ đi. Mọi chi phí phát sinh do lái xe, chủ xe tự chi trả.
Đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện đang có sự chồng chéo, không đồng bộ giữa Kế hoạch số 12593 của Bộ GTVT và Bộ Công an (về thực hiện KSTTX trên đường bộ) và Quy chế phối hợp số 74 giữa Bộ GTVT và UBND TP Hồ Chí Minh (về phối hợp công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động), dẫn đến việc triển khai thực hiện không thống nhất, còn đùn đẩy trách nhiệm giữa hai lực lượng.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT và Bộ Công an cần sửa đổi kế hoạch số 12593, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương và đồng bộ với quy chế phối hợp. Đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất Chính phủ bổ sung tính pháp lý về kết quả của cân tư động, làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính.
Hiện, Sở GTVT đã lập đề án trình UBND TP Hồ Chí Minh cho phép đầu tư lắp đặt hệ thống cân tự động tại các tuyến cửa ngõ TP và các tuyến đường trọng yếu có lưu lượng lớn phương tiện vận chuyển hàng hóa cao.
Ngoài ra, một số sở GTVT địa phương khác cũng kiến nghị cho phép khởi tố hình sự đối với những đối tượng có hành vi cò mồi, xử phạt nặng đối với lái xe, chủ doanh nghiệp cấu kết với các đối tượng “cò” dẫn xe “né” trạm cân, trốn tránh việc kiểm tra tải trọng xe, có chế tài tăng gấp hai lần mức xử phạt so hiện nay đối với đối tượng chủ cảng, bến, chủ doanh nghiệp sản xuất và chủ xe về hành vi xếp hàng lên xe quá tải trọng cho phép, hoặc không ký giấy xác nhận việc xếp hàng vào giấy vận tải theo quy định.