Kiên Giang: Xét xử vụ án chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng

NDO - Vụ án chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép hàng trăm vũ khí quân dụng, gây xôn xao trong dư luận ở Kiên Giang và nhiều tỉnh, thành trong thời gian qua đã được đưa ra xét xử.
0:00 / 0:00
0:00
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử sáng ngày 10/8.
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử sáng ngày 10/8.

Ngày 10/8, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử vụ án chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng đối với bị cáo Dương Minh Tuấn (31 tuổi), ngụ thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, cùng 16 đồng phạm khác.

Theo cáo trạng, khoảng 3 giờ ngày 22/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Rạch Giá bắt quả tang Dương Minh Tuấn có hành vi tàng trữ ma túy tại một nhà nghỉ trên địa bàn thành phố Rạch Giá. Khám xét chỗ ở của Tuấn, cơ quan chức năng phát hiện thu giữ nhiều dụng cụ, thiết bị để chế tạo súng.

Theo đó, từ tháng 5/2022, Tuấn lên mạng xã hội học, nghiên cứu cách thức chế tạo súng bắn đạn thể thao, đạn cao su và đặt mua các loại súng ZP-5, súng Sky và các linh kiện khác để chế tạo súng. Tuấn đến gặp Trần Văn Năng ở thành phố Rạch Giá để đặt hàng Năng chế tạo các linh kiện súng, sau đó liên hệ với vợ chồng Cao Văn Hoài và Võ Ngọc Trăm, ngụ cùng địa bàn mua các loại đạn thể thao, đạn cao su.

Sau khi chế tạo hoàn chỉnh súng, có đạn, Tuấn đã trực tiếp rao bán trên mạng xã hội, tìm đến các mối quan hệ quen biết trước đây ở ngoài xã hội để bán lại cho nhiều đối tượng có nhu cầu sử dụng với giá từ 1 đến 7 triệu đồng/khẩu súng.

Kiên Giang: Xét xử vụ án chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng ảnh 1

Quang cảnh phiên tòa.

Mở rộng điều tra, Hoài và Trăm khai nhận nguồn súng và đạn là của Vũ Thị Diệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp. Tại chỗ ở của Hoài, Trăm, cơ quan điều tra phát hiện thu giữ 70 khẩu súng, 239 viên đạn, 16 vỏ đạn.

Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra xác định năm 2019, Vũ Thị Diệp và chồng là Phạm Thành Long, ngụ huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Củ Chi khởi tố về hành vi tàng trữ hàng cấm. Sau đó, Tòa án nhân dân huyện Củ Chi tuyên phạt Long 3 năm 6 tháng tù; Diệp 3 năm tù. Tuy nhiên, do nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên Diệp được tạm hoãn thi hành án.

Khoảng đầu năm 2022, Diệp thỏa thuận với Đặng Quốc Huân (28 tuổi), ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sử dụng tài khoản Facebook đăng hình ảnh các loại súng để rao bán. Đến tháng 7/2022, do không có người nhận hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh để chuyển đi các nơi nên Huân liên hệ với Đặng Văn Tỉnh (26 tuổi), ở tỉnh Bình Dương thuê Tỉnh đi nhận và chuyển hàng theo yêu cầu của Huân.

Cũng trong tháng 7/2022, theo yêu cầu của Vũ Thị Diệp cần mở kho cất giấu súng tại thành phố Nha Trang và người nhận hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh để đóng gói, chuyển bán cho người mua, Đặng Quốc Huân đã liên hệ với anh trai của mình là Đặng Quốc Ánh thuê căn nhà ở thành phố Nha Trang và giao lại cho Ánh quản lý.

Từ tháng 7/2022 đến khi bị bắt, Tỉnh đã nhiều lần nhận hàng từ người của Vũ Thị Diệp đưa về nơi trọ đóng gói rồi đem đến dịch vụ chuyển phát nhanh của các nhà xe chuyển cho nhiều người khác nhau.

Đến ngày 16/10/2022, qua khám xét tại căn nhà thuê ở thành phố Nha Trang, Công an thu giữ 229 khẩu súng các loại, 6 viên đạn, 455 bình kim loại màu trắng, 6kg viên kim loại hình cầu màu trắng.

Từ đầu năm 2022 đến ngày bị bắt 24/8/2022, thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh của các nhà xe, Vũ Thị Diệp đã chuyển cho Cao Văn Hoài, Võ Ngọc Trăm khoảng 400 khẩu súng các loại; khoảng 1.300 viên đạn cao su, đạn thể thao, khoảng 1.300 bình khí CO2. Sau đó, Hoài, Trăm đã trực tiếp bán khoảng 40 khẩu súng, bán theo đơn hàng của Diệp khoảng 190 khẩu súng, riêng đối với đạn cao su, đạn thể thao, bình khí CO2, Hoài không xác định rõ số lượng bán. Ngoài ra Hoài, Trăm có bán cho Dương Minh Tuấn khoảng 200 viên đạn cao su.

Phiên tòa xét xử Dương Minh Tuấn cùng 16 đồng phạm dự kiến kéo dài trong 2 ngày 10 và 11/8.