Kiên Giang thúc đẩy hoạt động du lịch

Tỉnh Kiên Giang có đồng bằng, biên giới, hải đảo với tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều danh thắng, di tích lịch sử, đa dạng trong văn hóa, ẩm thực; đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, ngành du lịch Kiên Giang đang nỗ lực vượt qua nhiều thách thức để luôn là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc phường An Thới, thành phố Phú Quốc.
Một góc phường An Thới, thành phố Phú Quốc.

Ngày 16/11/2017, Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2030 du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao; có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại… Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế và 22 triệu lượt du khách nội địa; đóng góp hơn 17,5% GRDP của tỉnh, đạt giá trị 105.000 tỷ đồng.

Thực tế, mặc dù tình hình chung trên thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng từ năm 2018 đến tháng 9/2023, Kiên Giang đã đón hơn 39 triệu lượt khách du lịch, trong đó, hơn 2,2 triệu lượt du khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch hơn 70.000 tỷ đồng. Ngành du lịch đã giải quyết việc làm cho gần 16.000 lao động trực tiếp.

Kiên Giang hiện có 940 cơ sở lưu trú với 33.275 phòng, riêng hạng 4-5 sao có 26 cơ sở với 11.133 phòng. Toàn tỉnh có 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 9.663 ha, tổng vốn đầu tư 372.484 tỷ đồng. Trong số này có 76 dự án đã hoạt động, 81 dự án đang triển khai xây dựng, 160 dự án đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư…

Thời gian gần đây, du lịch Kiên Giang đối mặt với nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 cho thấy du lịch là một trong những ngành dễ bị tổn thương, lượng du khách và doanh thu giảm, nhiều cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, một số lao động bỏ nghề. Nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng, đang đứng trước những thách thức, như: Tỷ lệ du khách đi tour trọn gói, lưu trú dài ngày, chi tiêu của du khách có chiều hướng giảm; tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn hiện hữu rõ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi…

Rõ nhất, dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, lượng khách du lịch đến Phú Quốc giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một “nốt trầm” cần thiết để du lịch Kiên Giang nhìn nhận lại điểm hạn chế để khắc phục, điều chỉnh.

Theo nhiều chuyên gia du lịch, hậu Covid-19, du lịch nổi lên năm xu hướng chính, gồm: Số hóa ngành du lịch ngày càng phổ biến; du lịch nội địa và chặng ngắn phát triển; du lịch bền vững đóng vai trò thiết yếu; trào lưu mới du lịch dựa vào cộng đồng và du lịch chăm sóc sức khỏe thịnh hành. Ngoài ra, giải pháp công nghệ số, vấn đề về thị thực điện tử là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch Việt Nam và Kiên Giang.

Nhìn nhận rõ hạn chế, tồn tại, tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm vực dậy hoạt động du lịch. Theo ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc, khảo sát các nước đều vắng khách, chủ yếu khách nội địa là chính, chưa có nhiều khách quốc tế, chỉ trừ Thái Lan. Nguyên nhân do thế giới biến động và thay đổi, kinh tế suy giảm cho nên kéo theo chi tiêu suy giảm, chưa kể khách du lịch nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa biết tới vẻ đẹp của Phú Quốc.

“Kiên Giang cần có lễ hội, sự kiện tầm vóc quốc tế, trung tâm thương mại, văn hóa thể thao lớn và định kỳ. Tỉnh cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch-văn hóa-lịch sử và có kế hoạch riêng cho Phú Quốc để đẩy mạnh địa điểm du lịch trọng tâm. Phải có nhạc trưởng để triển khai các chương trình kích cầu bảo đảm cân đối hài hòa lợi ích các bên tham gia nhằm có sản phẩm truyền thông…”, ông Huy đề xuất.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, địa phương đã có kế hoạch khắc phục trong thời gian sớm nhất vấn đề môi trường, an ninh trật tự, giá cả, dịch vụ và an toàn thực phẩm; đồng thời sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý để du khách yên tâm khi đến Phú Quốc vui chơi. Ông Hưng cũng đề nghị các hãng hàng không cần tính toán để có giá vé hợp lý, hợp lệ, hài hòa lợi ích chung.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Lưu Trung cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Kiên Giang là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, cần chú trọng lãnh đạo phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, đề cao văn hóa du lịch. Tỉnh phát triển du lịch theo chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng. Qua đó, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch của tỉnh.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch mới, khác biệt để xây dựng, giữ gìn thương hiệu du lịch Kiên Giang. Tăng cường các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, mở rộng thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Cùng với đó, nghiên cứu triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch và đề án xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…