Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Bình

NDO -

Chiều 3/4, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đến kiểm tra thực tế tình hình ngập úng trong sản xuất nông nghiệp tại 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Ông Trần Quang Hoài (đứng giữa) kiểm tra tình hình úng ngập tại huyện Quảng Ninh.
Ông Trần Quang Hoài (đứng giữa) kiểm tra tình hình úng ngập tại huyện Quảng Ninh.

Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, từ 31/3 đến 3/4, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước tại trạm Lệ Thủy trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy dưới báo động II là 0.25m. Nước lũ về làm ngập 5.904 ha lúa đông xuân trong giai đoạn chuẩn bị trổ đòng, trong đó huyện Lệ Thủy là 3.689 ha và huyện Quảng Ninh 1.070 ha, huyện Quảng Trạch 1.000ha. Hoa màu, rau màu bị ngập, gãy đổ 319,6 ha. Tại Lệ Thủy có 917 ha cá lúa, huyện Quảng Ninh có 35 giàn nuôi hàu, 62 lồng cá bị ngập, hư hỏng. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh hơn 57 tỷ đồng.

Hiện, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo tập trung nhân lực, thiết bị để bơm tiêu úng cho các đồng ruộng; động viên nhân dân chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Bình -0
 Đến chiều 3/4, ruộng lúa đông xuân nhiều nơi tại Quảng Bình vẫn là biển nước mênh mông.

Kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại sản xuất nông nghiệp tại các vùng trồng lúa chủ lực của tỉnh Quảng Bình, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh Quảng Bình khẩn trương chỉ đạo các địa phương chủ động khắc phục hậu quả do mưa lũ trái mùa gây ra, nhất là đối với diện tích lúa đang ở giai đoạn làm đòng bị ngập sâu trong nước; rà soát, kiểm tra công tác vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập để bảo đảm an toàn công trình và tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du.

Ông Trần Quang Hoài nhấn manh, về lâu dài, Quảng Bình cần có biện pháp chuyển đổi mùa vụ phù hợp đối với một số vùng trũng thấp; nâng cao hiệu năng lực của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp cơ sở để chủ động ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai bất thường như hiện nay.