Kiểm soát và quản lý thị trường thực phẩm chức năng

Cuối tháng 12/2023, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội), dưới vỏ bọc là trang trại nuôi gà, chủ cơ sở là N.V.T đã sử dụng làm nơi sản xuất, phối trộn sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới được người tiêu dùng khá ưa chuộng như: Blackmores, Ronas, Yujin,... với số lượng bị thu giữ gần 40 tấn.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa giả nhãn hiệu tại hộ kinh doanh N.V.T. trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa giả nhãn hiệu tại hộ kinh doanh N.V.T. trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Nguy hiểm nhất, số nguyên liệu để sản xuất, phối trộn các sản phẩm trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi bị phát hiện, số nguyên liệu này đang vứt bừa bãi trên nền đất, thậm chí một số loại có mùi hắc nồng nặc, các viên nang đã kết dính vào nhau.

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm chức năng của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ Thiên Kim Group tại quận Hà Đông, phát hiện số lượng lớn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm giảm cân có chứa chất cấm Sibutramin và Cyproheptadin (chất không được phép sử dụng trong thực phẩm chức năng). Những vụ việc này một lần nữa là lời cảnh báo mạnh mẽ về công tác quản lý và chất lượng của các loại thực phẩm chức năng trên thị trường.

Do nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm chức năng của người dân không ngừng tăng cao, thị trường kinh doanh sản phẩm này luôn sôi động. Đáng nói, nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh quảng cáo “thần thánh hóa” công dụng, chức năng của sản phẩm như “thần dược”, chữa bách bệnh hòng trục lợi, gây mất lòng tin, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Để tăng tính thuyết phục, nhiều quảng cáo được đầu tư lồng ghép hình ảnh người nổi tiếng, ca sĩ, các y, bác sĩ,... tư vấn, trải nghiệm công dụng.

Tuy nhiên, cái giá nhận lại, là phần lớn mọi người đều rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, dễ dàng “sập bẫy”. Với hình thức kinh doanh mua bán qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, người bán không cần công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, mọi thông tin đều là ảo. Khi khách hàng có nhu cầu, họ sẽ giao hàng qua dịch vụ ship cod hoặc chuyển phát nhanh nên lực lượng chức năng khó theo dõi, nắm bắt và xử lý cơ sở kinh doanh vi phạm do thời gian kiểm tra cũng lâu hơn.

Có thể thấy, thị trường kinh doanh thực phẩm chức năng hiện nay còn không ít bất cập, tạo ra khoảng trống cho đối tượng kinh doanh trục lợi, nhất là những vi phạm chủ yếu trên không gian mạng. Điều này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường thực phẩm chức năng.

Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường hơn nữa công tác trinh sát, nắm bắt địa bàn, đặc biệt với loại hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử để có biện pháp xử lý cứng rắn hơn. Đồng thời, người dân cũng cần tỉnh táo, thận trọng khi mua hàng qua mạng từ đó mới có thể giúp kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm, hạn chế tình trạng thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.