Kiểm soát giá sách giáo khoa nhưng phải bảo đảm nhu cầu cho người học

NDO - Sách giáo khoa và giá sách giáo khoa luôn thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Chiều 5/4, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?” nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các cơ quan chức năng, chuyên gia và nhà quản lý giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chia sẻ tại toạ đàm.
Các đại biểu chia sẻ tại toạ đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: Trước khi vào năm học mới, bao giờ dư luận xã hội cũng có rất nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề giá sách giáo khoa với mong muốn chung là có bộ sách ở mức giá phù hợp.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó xác định sách giáo khoa được bổ sung vào danh mục được Nhà nước định giá, có hiệu lực từ 1/7/2024. Theo quy định của Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa do Nhà nước định giá, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá tối đa, các nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể trong trần chung.

Theo Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Thanh Đạm, phương pháp định giá trần sách giáo khoa là công việc rất quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thảo luận với các cơ quan liên quan, trao đổi với các nhà xuất bản để xác định giá sách giáo khoa gồm những khoản chi phí nào cấu thành, cần tính đúng, tính đủ nhưng phải hài hòa.

Trong phương pháp định giá, nội dung nào đặc thù, có tính cá biệt trong chi phí để biên soạn xuất bản, phát hành sách giáo khoa thì đều được tiếp thu và tạo cơ sở cho các nhà xuất bản xây dựng quy định giá đối với sách giáo khoa của mình.

Ông Đạm cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng và kiểm soát giá trần đúng, đủ, hài hòa lợi ích các bên. Nếu xây dựng khách quan, phản ánh đúng và phù hợp với thị trường và điều kiện chi trả của người dân sẽ là biện pháp kiểm soát rất tốt. Bên cạnh đó, có thể kiểm soát hậu kiểm trên cơ sở phương pháp định giá chung và định giá trần.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh vấn đề giá sách giáo khoa đang được dư luận xã hội quan tâm. Vì vậy, phải làm thế nào để kiểm soát được giá sách giáo khoa mà vẫn bảo đảm nhu cầu cho người học và phù hợp với khả năng thanh toán của người dùng. Đồng thời, cũng khuyến khích được các đơn vị xuất bản ra sách giáo khoa có chất lượng tốt nhất, thực hiện đúng chủ trương thực hiện đa dạng hóa một chương trình nhưng nhiều sách giáo khoa.

Chia sẻ về việc giá các bộ sách giáo khoa hiện nay cao hơn giá bộ sách giáo khoa cũ, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Văn Tùng cho biết: Giá sách giáo khoa được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó tập trung vào các chi phí bao gồm: tổ chức bản thảo; nhuận bút; sản xuất gồm giấy và công in; phát hành và tài chính.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Tùng, giá sách theo chương trình mới cao hơn giá sách theo chương trình cũ vì sách giáo khoa cũ được tổ chức biên soạn bằng vốn ngân sách nhà nước. Sách giáo khoa mới do các nhà xuất bản tự bỏ vốn hoặc vay ngân hàng để thực hiện tất cả các khâu.

Ngoài ra, các chi phí như giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút; chi phí giới thiệu, tập huấn giáo viên,... đều cao hơn trước, nhất là giá giấy tăng cao hơn nhiều so với trước. Cùng với đó, việc biên soạn theo định hướng phát triển năng lực nên sách giáo khoa mới có khổ sách lớn hơn, chất lượng in ấn cao hơn so với sách giáo khoa cũ...

Tại tọa đàm, các câu hỏi xoay quanh việc định giá để giảm giá sách giáo khoa thực hiện như thế nào cho phù hợp với thực tế, kiểm soát việc in ấn, phát hành ra sao... được các chuyên gia thẳng thắn trao đổi, chia sẻ và đóng góp thêm các giải pháp khác.

Luật Giá 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, trong đó quy định sách giáo khoa các cấp do Nhà nước định giá. Căn cứ Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định theo Luật Giá 2023 thì sách giáo khoa các cấp thuộc loại hàng hóa do Nhà nước định giá. Thẩm quyền định giá sách giáo khoa thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, với hình thức định giá là định giá tối đa. Theo đó, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán sách giáo khoa các cấp cao hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.