Nghiên cứu giá sách giáo khoa khoa học, hợp lý

iệc đoàn giám sát của Quốc hội đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa nữa cho học sinh phổ thông đang được bàn thảo với những ý kiến đa chiều.
0:00 / 0:00
0:00

Rồi sẽ có thống nhất chung giữa các cơ quan, bộ, ngành. Nhưng rất đáng lưu tâm một trong những mục tiêu, định hướng, đề nghị từ phía đoàn giám sát cũng như Quốc hội, đó là làm sao giảm giá sách giáo khoa hiện hành.

Những lý do đi kèm cùng với thực tế thời gian qua như dư luận phản ánh cũng đặt ra rất nhiều vấn đề bất cập cần quan tâm, xử lý triệt để. Đó là tình hình giá sách giáo khoa còn cao, tốn kém cho nhiều gia đình có con em đi học. Là việc có nhiều cuốn sách có phần bài tập làm ngay vào sách nên không tái sử dụng được, gây lãng phí. Là một bộ sách hay danh mục sách để học có số lượng khá nhiều gồm cả sách học và vở bài tập…, khi mua thì cũng phải sắm đủ thì mới bảo đảm việc học. Là ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, ngay cả ở thành thị, thu nhập, mức sống của nhiều gia đình còn thấp, lo được một, hai bộ sách giáo khoa đã là chật vật.

Biết rằng, giá sách còn căn cứ trên các yếu tố nguyên vật liệu, công sản xuất, thù lao các loại… Các đơn vị làm dịch vụ in ấn, phát hành còn phải bảo đảm có lãi, nuôi người lao động… Tuy nhiên, cần lắm việc nghiên cứu giảm giá sách hợp lý trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của mỗi bên liên quan.

Thí dụ, sách để học thì cố gắng tách ra với vở bài tập, để học sinh có thể sử dụng lại sách, thậm chí bán lại cho lớp sau. Như thế, một cuốn sách, bộ sách có thể quay vòng nhiều lượt, ít nhất là cho đến khi sách được biên soạn mới. Trước kia, các trường phổ thông có hình thức cho thuê sách giáo khoa, rất thiết thực. Về chất lượng giấy nói chung, kể cả bìa sách, vở, thì cũng tính toán loại giấy vừa phải, bảo đảm tốt cho việc nhìn, xem của học sinh, chứ cũng không phải dày dặn, bóng bẩy, sang trọng quá. Rồi cả các yếu tố dịch vụ, hợp tác khác nữa nếu được tính vào giá sách, thì đơn vị sản xuất, phát hành, môi giới cũng nên cân đối quyền lợi phù hợp, theo hướng đáp ứng cao nhất cho điều kiện kinh tế của học sinh, phụ huynh.

Nhìn rộng ra nữa, tình trạng sách giáo khoa được in với số lượng rất lớn, nhưng hạn chế trong việc tái sử dụng, là một sự tốn kém, lãng phí không hề nhỏ cho xã hội và đối với cả ngành giáo dục, với Nhà nước. Nghiên cứu giảm giá sách giáo khoa cũng rất cần dựa trên việc phát huy hiệu quả tái sử dụng sách. Mặc dù một số bộ sách giáo khoa đã được đưa vào sử dụng, nhưng thấy những bất cập, hạn chế thì tiếp tục điều chỉnh, cải tiến là việc cần làm.