Kiểm soát diện tích cây sầu riêng

Mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khuyến cáo các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ kiểm soát diện tích cây sầu riêng, không để diện tích loại cây trồng này tăng “nóng”.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: TTXVN)
Thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Trong đó, Bộ đã cảnh báo tình trạng phát triển “nóng” cây sầu riêng ở nhiều địa phương, đồng thời, nêu ra nhiều bất cập, rủi ro, thách thức trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu sầu riêng ở nước ta, từ đó, yêu cầu các địa phương rà soát diện tích sầu riêng, xây dựng đề án/kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; quy mô phù hợp Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030...

Khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp; không tùy tiện chặt phá hoặc chuyển đổi các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng…

Tuy nhiên, đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích cây sầu riêng của cả nước đã đạt hơn 100.000ha, vượt xa 75.000ha định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và diện tích loại cây này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nguyên nhân diện tích cây sầu riêng tăng nhanh là do loại trái cây này đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ ngày 11/7/2022 (thời điểm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc). Từ đó, giá trái sầu riêng liên tục tăng cao, đã thu lợi nhuận gấp nhiều lần so với cây lúa hoặc các loại cây trồng khác, đã thu hút nông dân bất chấp hoặc không lường trước được những hệ lụy sau này khi đổ xô trồng sầu riêng.

Trước hết là mù mờ, rủi ro về thị trường tiêu thụ. Ngoài bán trong nước, trái sầu riêng gần như chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc. Hơn nữa, Nghị định thư nêu trên chỉ có hiệu lực ba năm; sau đó, không ai dám chắc trái sầu riêng Việt Nam vẫn còn được xuất khẩu thuận lợi...

Phát triển bền vững cây trồng, vật nuôi chủ lực theo lợi thế vùng và quy hoạch của cơ quan chức năng sẽ góp phần giúp người nông dân phòng ngừa được điệp khúc luẩn quẩn trồng-chặt, được mùa mất giá, nợ nần, phá sản…

Do đó, cùng với việc phải dựa vào tín hiệu thị trường, nắm kỹ và chắc quy luật cung-cầu... bà con nông dân cần tuân thủ quy hoạch của cơ quan quản lý chuyên ngành trong sản xuất nông nghiệp để bảo đảm hiệu quả và sản xuất bền vững. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp, các địa phương cũng cần làm tốt công tác quản lý quy hoạch, bảo đảm diện tích các loại cây trồng nói chung, sầu riêng nói riêng theo đúng định hướng, quy hoạch đã được duyệt.