Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà-phê bền vững ở Tây Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức trong những ngày cuối năm 2022 tại Đắk Lắk, đã thu hút sự quan tâm của các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm khuyến nông các tỉnh; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chế biến, thu mua cà-phê, đặc biệt là đông đảo thành viên các Tổ khuyến nông cộng đồng ở Tây Nguyên.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích cà-phê cả nước là hơn 710 nghìn ha, năng suất đạt 28,2 tạ/ha, cho sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% về sản lượng cà-phê cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2021, diện tích và năng suất cà-phê cả nước đều tăng, trong đó diện tích cà-phê tăng 28,1%, năng suất tăng 31,2% và sản lượng tăng 67,7%. Mặc dù diện tích canh tác cà-phê tại khu vực miền núi phía bắc tăng nhanh, nhưng diện tích cà-phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn tăng và là vựa cà-phê lớn nhất của cả nước với mức tăng 31,8%.
Tuy nhiên, việc sản xuất cà-phê ở Tây Nguyên hiện đang gặp khó khăn và thiếu bền vững, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, diện tích cà-phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý; khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ; người sản xuất cà-phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra, nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình...
Từ thực tế đó, thực hiện chủ trương tiếp tục coi cà-phê là một trong những cây trồng chủ lực quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng… Mục tiêu của đề án là củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành và phát triển nông thôn, góp phần củng cố xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam, đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản…
Sau hơn 9 tháng triển khai thực hiện đề án, các tỉnh Tây Nguyên thành lập được 39 Tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ đề án vùng nguyên liệu cà-phê với 178 thành viên. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, mặc dù các Tổ khuyến nông cộng đồng đang triển khai thực hiện thí điểm nhưng đã phát huy được vai trò của mình với đa dạng hoạt động khuyến nông như: Hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, hợp tác xã về khuyến nông, về công tác chuyển giao công nghệ; hỗ trợ, tư vấn, vận động thành lập, phát triển hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ, tư vấn hộ nông dân, hợp tác xã về phát triển thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp…
Đối với các Tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ vùng nguyên liệu, đã hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất, chuyển đổi số trong nông nghiệp, thông tin thị trường,... Tuy nhiên, các Tổ khuyến nông cộng đồng cũng đang gặp nhiều khó khăn như: sau khi thành lập chưa có kinh phí để hoạt động; các tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho Tổ khuyến nông cộng đồng nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Tổ khuyến nông cộng đồng không có tư cách pháp nhân nên khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng tư vấn, đào tạo; thiếu các trang thiết bị như máy tính, máy chiếu... để phục vụ triển khai các lớp đào tạo, tập huấn…
Tại diễn đàn, các đại biểu đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hoạt động Tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà-phê bền vững, như: Hệ thống chính trị cần vào cuộc để tuyên truyền, đào tạo, tổ chức các hội nghị đầu bờ, hội thảo, tham quan; tạo cơ chế hỗ trợ trong quá trình sản xuất, hỗ trợ giá bán và đầu mối với các hợp tác xã thông qua Tổ khuyến nông cộng đồng; tăng cường kết nối giữa hợp tác xã, tổ hợp tác, Tổ khuyến nông cộng đồng, doanh nghiệp tổ chức sản xuất và thực hiện dịch vụ khoa học cộng nghệ, sử dụng vật tư có trách nhiệm, giống, kỹ thuật canh tác, tái canh cà-phê bền vững, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chứng nhận… giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có và bổ sung cán bộ có trình độ, năng lực để duy trì và xây dựng kế hoạch sản xuất sản phẩm; kết nối thông tin, đối thoại thường xuyên giữa người sản xuất cà-phê, hợp tác xã, Tổ khuyến nông cộng đồng với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra…
Ông Vũ Đình Khiêm, điều phối viên Chương trình cảnh quan cà-phê bền vững tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng là cần thiết. Đội ngũ khuyến nông cộng đồng là mắt xích kết nối để chuyển giao khoa học kỹ thuật của Nhà nước đến nông dân, kết nối doanh nghiệp với nông dân. Tuy nhiên, cần đào tạo về kỹ thuật, thông tin thị trường, kỹ năng truyền thông, nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến nông cộng đồng để đáp ứng bối cảnh hội nhập.
Ông Nguyễn Văn Thu (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin), là người trồng cà-phê hơn 30 năm nay cho rằng, nông dân trồng cà-phê hiện nay gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào như giá xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng cao, trong khi giá cà-phê ở mức thấp dẫn đến nông dân thu lãi thấp, có thời điểm không đủ trang trải. Vì vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần nghiên cứu, có phương án đẩy giá cà-phê nhân lên đạt hơn 60.000 đồng/kg...
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, việc xây dựng và đưa Tổ khuyến nông cộng đồng vào hoạt động là chưa có tiền lệ, chưa có mô hình mẫu. Vì vậy, ngành nông nghiệp các tỉnh cần nghiên cứu, vận dụng xây dựng quy chuẩn, nguyên tắc hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng dựa trên nguyên tắc chung và thực tiễn của địa phương, tuyệt đối không chọn mô hình cứng nhắc, bám sát nhu cầu sản xuất và yêu cầu của doanh nghiệp, người dân để hoạt động. Đồng thời từng bước đưa các Tổ khuyến nông cộng đồng vào cơ cấu thuộc sở một cách chính thức để có điều kiện thuận lợi hơn duy trì bộ máy và nâng cao chất lượng khuyến nông ở cơ sở.