Khuyến khích đầu tư cho giáo dục ngoài công lập

Không chỉ góp phần giảm tình trạng quá tải cho giáo dục công lập, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, các cơ sở giáo dục ngoài công lập tại tỉnh Vĩnh Phúc còn triển khai những mô hình giáo dục hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh trong tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp học tại Trường mầm non quốc tế FTF.
Lớp học tại Trường mầm non quốc tế FTF.

Cùng với hệ thống giáo dục công lập, các cơ sở giáo dục ngoài công lập tại Vĩnh Phúc phát triển như một nhu cầu tất yếu. Trong tổng số 512 trường học và cơ sở giáo dục tại tỉnh Vĩnh Phúc, có 20 trường ngoài công lập gồm 17 trường mầm non và ba trường phổ thông. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc có 211 nhóm, lớp mầm non tư thục trên địa bàn.

Mặc dù số lượng các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa nhiều nhưng cũng đóng góp đáng kể cho sự đa dạng giáo dục của tỉnh. Nhiều trường mầm non tư thục có diện tích lớn, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đạt chất lượng cao như Trường mầm non quốc tế FTF, Trường mầm non Sao Mai Vĩnh Phúc, Trường mầm non Skinder’s sky, Trường mầm non Achihom Vĩnh Yên, Trường mầm non Thanh Nhàn…

Tại Trường mầm non quốc tế FTF ở trung tâm thành phố Vĩnh Yên, các phòng học có diện tích từ 120 m2 đến 190 m2 với thiết bị dạy học hiện đại. Trong trường có bể bơi, sân vườn, nhà bóng, phòng học đàn, phòng vui chơi và nhiều phòng chức năng khác, với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Trường có chương trình học tiếng Anh song song với học tiếng Việt do giáo viên là người nước ngoài giảng dạy. Các phương pháp dạy học tiên tiến, được cá nhân hóa cao. Hiện nay trường có gần 30 trẻ là con em chuyên gia nước ngoài và 2 giáo viên nước ngoài. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hường cho biết, mục tiêu của nhà đầu tư là tạo dựng một môi trường giáo dục quốc tế trợ giúp cho nhu cầu phát triển tự nhiên của trẻ. Học sinh được phân nhóm nhỏ theo trình độ, hồ sơ học tập được cập nhật từng ngày.

Trường phổ thông liên cấp Newton cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nằm trong khu đô thị Bắc Đầm Vạc thuộc Tập đoàn sông Hồng Thủ đô. Bà Nguyễn Thị An Quyên, Giám đốc điều hành trường cho biết: Các hoạt động của trường đều dùng song ngữ Việt-Anh. Phòng học có điều hòa, máy chiếu, bảng tương tác. Hoạt động quản trị và chuyên môn vận hành theo mô hình quốc tế ưu việt. Năm học này, trường có 770 học sinh ở 3 cấp tiểu học, THCS và THPT.

Bên cạnh một nhóm nhỏ các trường mầm non được đầu tư lớn, thì nhiều nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục có diện tích còn nhỏ hẹp, phòng học chưa hiện đại nhưng là những nhóm, lớp tư thục nhận trẻ ở độ tuổi phổ biến từ 6 tháng tới 36 tháng tuổi với mức học phí tương đối thấp, phù hợp với những gia đình thu nhập thấp hay công nhân lao động phải làm theo ca. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có thể đáp ứng những yêu cầu đặc biệt của cha mẹ, như gửi sớm, đón muộn, gần nhà, có thể gửi cả thứ bảy, chủ nhật. Các cơ sở này cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi, thậm chí dưới 6 tháng tuổi.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy cho biết, tỉnh có chính sách ưu đãi, đặc thù khuyến khích phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ngoài công lập. Mặc dù vậy, các cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc đang tham mưu với tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2027. Trong đó, các cơ chế, chính sách tập trung vào hỗ trợ cụ thể như quy hoạch, cho thuê đất, cho thuê cơ sở vật chất để phát triển các trường ngoài công lập; hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư; kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động; hỗ trợ một phần học phí với người học…

Tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hệ thống trường ngoài công lập ở các cấp học, thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo phục vụ nhu cầu học tập của người dân.