Gỡ khó cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

Đến thời điểm này, các trường mầm non trên cả nước đã mở cửa trở lại. Khác với trường công lập, hệ thống các trường mầm non ngoài công lập phải đối mặt với không ít khó khăn về tài chính, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp... Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn đó, Chính phủ và địa phương đã, đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giúp các cơ sở có điều kiện phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19.

Một lớp học tại điểm trường mầm non tư thục Galaxy Ngân Hà, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG KHOA)
Một lớp học tại điểm trường mầm non tư thục Galaxy Ngân Hà, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG KHOA)

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã có 1.119 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải giải thể, trong đó có 135 trường mầm non ngoài công lập, 984 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nghỉ việc không trở lại làm việc sau khi trường học hoạt động trở lại là hơn 9.000 người, trong đó có 4.455 người làm việc tại các trường mầm non ngoài công lập và 4.677 người làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục quận Hoàng Mai (Hà Nội) Trương Thu Hà, tính đến tháng 4/2022, quận Hoàng Mai, Hà Nội có 28 trường mầm non ngoài công lập (giảm một trường ngoài công lập đã dừng hoạt động; 362 trong số 423 nhóm, lớp mầm non độc lập (61 cơ sở giải thể, dừng hoạt động). Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn đã gặp khó khăn về tài chính như thiếu chi phí đầu tư, sơn sửa, mua sắm lại các trang thiết bị do không hoạt động một thời gian dài đã bị hỏng và xuống cấp.

Có những cơ sở nợ ngân hàng do vay tiền để trả chi phí thuê mặt bằng duy trì trong thời gian nghỉ dịch. Tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên cũng là vấn đề mà nhiều trường phải đối mặt. Hiệu trưởng Trường mầm non Thực hành VSK Thăng Long Bùi Thị Tuyết chia sẻ: Hiện nay, nhà trường đã đón 100 trẻ đến lớp, nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh nhiều hơn nhưng do số lượng giáo viên của nhà trường không đủ đáp ứng cho nên đã không thể nhận được thêm trẻ.

Để khắc phục tình trạng này, trường đã liên hệ với khoa mầm non của các trường đại học: Thủ đô, Sư phạm Hà Nội… để tới đây, khi các trường tổ chức ngày hội tuyển dụng giáo viên mầm non, nhà trường sẽ đến phỏng vấn, tìm kiếm những giáo viên có tâm huyết với nghề để về đào tạo theo đúng quy chuẩn của trường.

Trong khi đó, chủ cơ sở mầm non Kids House (Khoái Châu, Hưng Yên), Nguyễn Thị Vui chia sẻ: Trong thời gian nghỉ dịch, toàn bộ giáo viên và nhân viên của cơ sở đều phải tự trang trải cuộc sống bằng cách tìm công việc khác. Tuy nhiên, đến nay sau hơn hai tháng hoạt động trở lại, điều đáng mừng là cả tám giáo viên đã quay lại với nghề. Có được may mắn đó là nhờ cơ sở đã hỗ trợ, thu hút giáo viên như ổn định mức lương 6 triệu đồng/người/tháng và đóng bảo hiểm; miễn phí toàn bộ học phí cho những giáo viên có con theo học tại trường… Giờ là lúc các cô giáo thể hiện sự yêu nghề và gắn bó để thu hút học sinh đi học trở lại.

Thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã chủ động tháo gỡ cho các giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.  Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho biết: Ngay sau khi có các chính sách của Chính phủ ban hành để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, tỉnh Hải Dương đã tuyên truyền, hướng dẫn để các đối tượng trong diện hưởng chính sách được tiếp cận và hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ theo quy định.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 626 người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được hưởng các chế độ theo quy định tại các Nghị quyết của Chính phủ. Tại Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp với mức hỗ trợ từ 20 đến 40 triệu đồng (tùy quy mô từng nhóm lớp)…

Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng được ban hành rất kịp thời và hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, giúp các cơ sở khôi phục hoạt động, thích ứng với tình hình dịch trong giai đoạn hiện nay. Theo quyết định này, sẽ có hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12.300 cơ sở giáo dục mầm non độc lập được thụ hưởng chính sách với thời gian vay vốn là 36 tháng.

Mức lãi suất là 3,3%/năm là mức lãi suất ưu đãi cao nhất đối với các tổ chức đang vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức vốn cho vay cao nhất là 80 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; cao nhất là 200 triệu đồng đối với trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Nguồn vốn vay này sẽ được dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chia sẻ: Trong quá trình tham mưu xây dựng quyết định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để hướng dẫn trình tự, thủ tục theo hướng giảm thiểu về thủ tục hành chính để các cơ sở giáo dục thuận lợi khi tiếp cận với chính sách. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thêm chính sách hỗ trợ giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Dự kiến mức hỗ trợ này là 3,7 triệu đồng/giáo viên.

Có thể thấy, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần giải tỏa áp lực cho các trường mầm non công lập, đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ huynh. Do vậy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các địa phương trong thời điểm này sẽ phần nào giúp các cơ sở mầm non ngoài công lập tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định và phát triển quy mô trường, lớp.