Khử khuẩn, vệ sinh môi trường bảo vệ sức khỏe người dân

Khi lũ lụt lịch sử, ngập diện rộng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đi qua, trên phố phường, khu dân cư, làng xóm ngập ngụa bùn non, rác thải, xác động vật, nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Nhờ chủ động nhân lực, thiết bị, vật tư, với phương châm lũ rút đến đâu, phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường đến đó cho nên tỉnh Thái Nguyên không phát sinh dịch bệnh sau lũ, sức khỏe người dân được bảo vệ.
Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phun khử khuẩn phòng chống dịch, bệnh sau lũ.
Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phun khử khuẩn phòng chống dịch, bệnh sau lũ.

Đợt lũ lụt vừa qua, thành phố Thái Nguyên có 27 xã, phường bị ngập, trong đó có 23 xã, phường bị ngập sâu, lâu ngày với hơn 20 nghìn hộ gia đình, hàng trăm cơ quan, đơn vị có nhà cửa bị ảnh hưởng. Quang Vinh là một trong những phường bị ngập sâu nhất.

Lũ rút đến đâu, Trường tiểu học Quang Vinh huy động các thầy, cô giáo và cha mẹ học sinh dùng chổi quét bùn đất, dùng xô, chậu múc nước vệ sinh, tẩy rửa nền nhà, sân trường đến đấy, cùng lúc phun khử khuẩn, khử trùng để đề phòng dịch bệnh phát sinh, tránh ảnh hưởng sức khỏe thầy, cô giáo và học sinh.

Chủ động phòng ngừa dịch, bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt rét, đau mắt đỏ, da liễu, nấm da... ngay trong lũ và sau lũ, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ăn chín, uống sôi, cung cấp phèn chua, Cloramin B để người dân làm sạch nước sinh hoạt; đồng thời chủ động vật tư, phương tiện, nhân lực để phun khử khuẩn, tiêu độc.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên Phan Bích Hòa cho biết: "Chúng tôi huy động 55 cán bộ y tế sử dụng 25 máy phun hóa chất, 90 sinh viên Trường đại học Y-Dược Thái Nguyên, Quân khu I hỗ trợ Cloramin B và ba xe đặc chủng phun khử khuẩn suốt ba ngày liền với phương châm lũ rút đến đâu, phun khử khuẩn ngay đến đấy.

Trong đó tập trung phun ở những nơi ngập sâu, lâu ngày, nơi chôn lấp động vật chết, từng có ổ dịch, toàn bộ hơn 20 nghìn hộ dân, các cơ quan, trường học, chợ bị ngập. Do đó đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên không phát sinh dịch, bệnh".

Chính quyền địa phương huy động các lực lượng bộ đội, dân quân, công an, người dân tổng lực thu dọn vệ sinh cho nên sau lũ một, hai ngày, các tuyến phố chính trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã được vệ sinh sạch đẹp.

Những ngày sau đó, Quân khu I đã điều hơn 300 bộ đội hỗ trợ, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên tiếp tục duy trì tối đa phương tiện, nhân lực gần 600 người để dọn dẹp vệ sinh.

Trưởng ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị thành phố Thái Nguyên Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ: "Những ngày vừa qua, người dân ở các ngõ, ngách, khu dân cư thu dọn bùn đất, rác thải, đồ đạc hư hỏng ra đường để chúng tôi thu gom, vận chuyển đến nơi quy định cho nên việc khắc phục hậu quả về môi trường khẩn trương, hiệu quả hơn, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường".

Hàng chục xã, phường dọc sông Cầu trên địa bàn huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên với hàng chục nghìn hộ bị lũ lụt cho nên dễ phát sinh dịch bệnh vì người dân bị ngập sâu, chủ yếu dùng nước giếng.

Sở Y tế Thái Nguyên ban hành gần 20 văn bản chỉ đạo hệ thống y tế tham mưu chính quyền các cấp triển khai các biện pháp phòng dịch bệnh; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức các đoàn kiểm tra tại cơ sở.

Ngành y tế huy động nguồn vật tư dự trữ từ tỉnh, các địa phương, nguồn tài trợ, mua mới đáp ứng nhu cầu; thành lập các đội phun khử khuẩn lưu động ở tất cả các nơi bị lũ lụt, nguy cơ cao với phương châm nước rút đến đâu, phun khử khuẩn đến đó để phòng dịch.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy, bên cạnh việc phun khử khuẩn, người dân vùng lũ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn được cấp vật tư, hướng dẫn làm sạch nước sinh hoạt hằng ngày. Do làm tốt công tác phòng ngừa cho nên đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra.

Mặc dù dịch bệnh sau lũ không phát sinh, nhưng Sở Y tế Thái Nguyên khuyến cáo, người dân vùng lũ lụt không được chủ quan, cần thực hiện nghiêm ăn chín, uống sôi, vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện đúng phương pháp, liều lượng Cloramin B, vật tư đã được cấp để làm sạch nước sinh hoạt nhằm phòng chống dịch bệnh.