Bắc Kạn tập trung giúp người dân sớm ổn định cuộc sống

Dù chỉ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu, nhưng thiệt hại do bão số 3 gây ra cho tỉnh Bắc Kạn khá nặng nề, ước tính tổng thiệt hại lên đến hơn 800 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang tập trung nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn giúp người dân xã Nam Cường (Chợ Đồn) dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. (Ảnh THÙY DƯƠNG)
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn giúp người dân xã Nam Cường (Chợ Đồn) dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. (Ảnh THÙY DƯƠNG)

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, tính đến ngày 17/9, toàn tỉnh có 2.343 nhà dân bị sạt lở ta-luy dương, tốc mái, ngập nước, sập. Đáng báo động là sau khi bão tan, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 26 điểm dân cư sạt lở nguy hiểm đe dọa tới sự an toàn của 476 hộ với 1.893 nhân khẩu. Toàn tỉnh có hơn 2.226 ha lúa, ngô, hoa màu, cây ăn quả… bị hư hại.

Giao thông là lĩnh vực bị thiệt hại nặng nhất do sạt lở. Trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, có tới 45 vị trí sạt lở với khối lượng khoảng 2.690 m3; tỉnh lộ có 20 cầu tràn bị ngập; sạt lở đất, đá khoảng 203.000 m3 ở hơn 232 điểm, sạt lở ta-luy âm 4m...

Theo Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn, tổng giá trị thiệt hại của các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ hiện lên tới khoảng gần 100 tỷ đồng. Tổng giá trị đề xuất sửa chữa các vị trí có nguy cơ sạt lở trên các tuyến tỉnh lộ hiện khoảng hơn 308 tỷ đồng. Hiện tại, cơ bản các vị trí sạt ta-luy dương mới chỉ khắc phục được đến mức thông đường bước một, nhiều vị trí không còn tắc nhưng lượng đất, đá vẫn nằm trong và sát lề đường.

Hiện nay, nguy cơ sạt lở đất tại nhiều điểm trên địa bàn còn rất cao, có thể gây ra những thiệt hại lớn cho người dân và làm hư hỏng, ách tắc các tuyến đường giao thông. Ngoài ra, còn nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ, ngập úng trên địa bàn đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thống kê, báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn) vốn là "rốn lũ", tình trạng ngập úng hằng năm vẫn xảy ra. Tuy nhiên, với lượng mưa cực lớn do hoàn lưu bão số 3 gây ra, năm nay tình trạng ngập úng ở Nam Cường là nặng nhất sau 38 năm, tính từ trận lụt lịch sử năm 1986. Toàn xã có 239 hộ phải di dời, 227 hộ bị nước ngập, 14 hộ phải di dời tránh nguy cơ sạt lở.

Trong một tuần qua, Công an tỉnh Bắc Kạn đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ xuống giúp người dân vùng ngập lũ. Trung bình mỗi ngày, tại Nam Cường có khoảng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh, Công an huyện cùng phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ giúp nhân dân khắc phục hậu quả với phương châm "nước rút đến đâu, vệ sinh sạch đến đó".

Đến ngày 20/9, cơ bản nước ở các vùng ngập úng ở xã Nam Cường và xã Nam Mẫu đã rút khỏi nhà dân. Công tác dọn dẹp, vệ sinh cơ bản hoàn thành và người dân sau nhiều ngày tránh lũ đã trở về nhà.

Ngay trong khi đang mưa bão, đối với các đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở…, Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn đã tổ chức căng dây, rào chắn, cắm biển cảnh báo hai đầu đoạn tuyến bị hư hại; thu dọn, san, sửa để bảo đảm giao thông tối thiểu có một làn đường đi lại an toàn.

Giám đốc Ban quản lý bảo trì công trình đường bộ Bắc Kạn Phùng Đức Hạnh cho biết, so với những năm gần đây, thiệt hại do bão số 3 gây ra cho mạng lưới giao thông là rất nặng nề. Sau khi bảo đảm thông đường, chúng tôi đang tập trung thống kê, đánh giá và triển khai các biện pháp khắc phục hư hại của mạng lưới giao thông.

Đối với sự cố môi trường do vỡ đập chứa bùn thải quặng đuôi tại xã Bản Thi (huyện Chợ Đồn), những ngày này, Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn (Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên) đã cơ bản vá xong vị trí đập bị vỡ. Chi nhánh huy động hàng trăm công nhân mỗi ngày thực hiện hót, thu gom, đóng bao bùn thải chảy ra môi trường.

Phó Giám đốc chi nhánh Nguyễn Văn Tú cho biết: Đơn vị tập trung hết lực lượng máy móc, thiết bị, công nhân để khắc phục hậu quả. Chi nhánh cũng chủ động phối hợp với xã Bản Thi và huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) để thống kê thiệt hại, đền bù cho nhân dân.

Người dân vùng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại tỉnh Bắc Kạn còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh bạn, các nhà hảo tâm, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, tính đến hết ngày 17/9, Quỹ Cứu trợ của tỉnh đã nhận được và tiếp nhận thông tin đăng ký ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 với tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do thiệt hại diễn ra ở nhiều lĩnh vực, địa phương cho nên để khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất thì cần một giải pháp tổng thể. Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn lên kế hoạch, xây dựng biện pháp, chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đang tập trung xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ với quan điểm phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình kết cấu hạ tầng, từ đó chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ, nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh.