Tinh thần tương thân, tương ái trong bão lũ ở Yên Bái

Trong những ngày qua, người dân Yên Bái đã chứng kiến nhiều câu chuyện về tinh thần tương thân, tương ái tại những vùng thiên tai đi qua. Dù là người trên tuyến đầu hay những người ẩn danh, họ đều có một tấm lòng cao cả giúp người trong hoạn nạn thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn thiện nguyện do anh Võ Chí Ngọc trao hỗ trợ tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.
Đoàn thiện nguyện do anh Võ Chí Ngọc trao hỗ trợ tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.

Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Vũ Xuân Thành, Trưởng Công an phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái (Yên Bái), ngực đang cuốn đai dưỡng thương do gãy xương sườn số 3, bồi hồi nhớ lại vụ lật thuyền đi cứu dân trong bão Yagi. Khoảng 10 giờ ngày 10/9, nước dâng cao đột ngột hơn 3 mét, nhấn chìm hàng vạn ngôi nhà dọc bờ sông Hồng, trong đó có hàng trăm nhà dân trong phường.

Anh Bùi Ngọc Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường yêu cầu Công an phường tham gia cấp cứu người bị đột quỵ, mắc kẹt do nước dâng nhanh. Trung tá Vũ Xuân Thành cùng đồng chí Bùi Ngọc Giang và 3 người trong đoàn cứu hộ lái thuyền máy dọc đường Thành Công, đến ngõ 236 thì thuyền máy bị sự cố, quay tròn, gặp dòng nước xiết khiến thuyền bị lật úp.

"Đúng lúc, một mái hiên tây xi-măng đổ ập xuống, năm người uống no nước, may mắn được người dân gần đó ném phao cứu giúp, Trung tá Thành bị gãy xương sườn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường bị rách tay... May mắn đã mỉm cười với năm người, không ai bị thủy thần cướp đi trong lũ! "Cứu người ai nỡ tính công", Trung tá Thành khiêm tốn cho biết.

Chị Nguyễn Thị Lý, Giám đốc nhà khách Trường Sơn chia sẻ, bão số 3 với mưa to kéo dài gần 10 giờ liên tục, nước dâng cao, sạt đất đá khắp nơi... Sau khi xin ý kiến, được thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái đồng ý, nhà khách Trường Sơn thông tin trên mạng xã hội để người dân trong khu vực đến cơ sở tránh trú. Trong đêm 8/9, nhà khách tiếp nhận ba gia đình.

Sáng 9/9, có 75 người được bố trí ở tại các phòng khách, hơn 50 người ở trong hội trường. Nhiều người ở một đêm rồi về, nhưng cũng có người phải ở lại gần chục ngày. Nhà khách Trường Sơn đã tặng quần áo, cung cấp bữa ăn miễn phí cho người dân. Ngày 9/9 có gần 100 suất ăn phục vụ người dân tạm trú.

Ngày 10/9, khu nhà bếp của nhà khách bị sạt lở đất, gây mất an toàn. Chị Lý tìm nơi vận động hỗ trợ suất ăn từ thiện, liên hệ với các đoàn cứu trợ và chính quyền địa phương tiếp nhận, trao tặng người dân những mặt hàng thiết yếu...

Bác Nguyễn Ngọc Vũ, 78 tuổi, ở ngõ 108, đường Lê Hồng Phong, là cựu chiến binh phải dùng xe lăn cho hay, đêm 9/9 nước dâng cao gần nóc nhà, tôi được người dân đưa đến nhà khách tạm trú, được miễn phí ăn nghỉ, còn được chị Lý tặng một ấm điện đun nước, hai chiếc chăn, một số vật dụng khác, tôi rất cảm động.

Tại nhà hàng Tùng Dương, số 37 đường Quang Trung, thành phố Yên Bái, nơi cung cấp hơn 26.000 suất ăn "0 đồng" cho người dân vùng thiên tai trong bão Yagi, chị Phạm Thu Hương, chủ nhà hàng chia sẻ, sáng 10/9 nước dâng cao ngập hết tầng một, làm hỏng toàn bộ bàn ghế, đồ nấu ăn.

Bốn đám cưới đã đặt cỗ do thiên tai báo hủy với mấy trăm mâm, sẵn có trứng cá hồi làm cỗ chưa dùng, chị làm món cơm rang trứng cá ủng hộ người dân vùng lũ. Lúc đầu chỉ 300 suất, nhưng làm đến 1.200 suất thì hết trứng cá, đành nấu cơm để thêm suất ăn.

Thiếu nhân lực, chị Hương lên mạng xã hội kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức, được Hội Nữ doanh nhân phường Minh Tân, học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ, Trường Dân tộc nội trú tỉnh, cùng nhiều người dân và đầu bếp khắp nơi đến hỗ trợ nấu ăn, phân phát khẩu phần đến người dân vùng thiên tai.

Sau khi dùng hết hai tấn gạo, nhà hàng được Tổng công ty Gia Đức, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) hỗ trợ 189 triệu đồng; Hội Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái hỗ trợ gần 230 triệu đồng quy đổi; hai bạn Diệp, Toàn trú tại phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ ủng hộ một tấn gạo và 20 triệu đồng, đồng thời đưa ba xe bán tải, một xe tải với 10 người thạo nấu ăn đến giúp.

Trong vòng hơn một tuần, đã có hơn 26.300 suất ăn miễn phí được chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố, các đội thanh niên tình nguyện, đơn vị ứng trực tại các phường bị ngập lụt, lực lượng trên tuyến đầu đang làm nhiệm vụ cứu hộ, các gia đình không có khả năng nấu ăn do thiên tai gây ra.

Ước tính, mỗi suất ăn là 30.000 nghìn đồng, không tính công phục vụ, ga bếp, dầu ăn, phụ phẩm, vận chuyển... tổng chi phí gần một tỷ đồng. Trong đó, chủ nhà hàng bỏ ra hơn 500 triệu đồng, cùng các chi phí ăn nghỉ miễn phí tại chỗ cho gần 30 người trong thời gian dài.

Bên chén trà nóng buổi sáng, anh Võ Chí Ngọc, 38 tuổi, trú tại Phường 15, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, được tin miền bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3, anh lên nhóm và tập hợp được 12 người. Ban đầu, mang theo 120 kg thuốc chữa bệnh, đi máy bay ra Hà Nội, được bạn đón về Yên Bái làm thiện nguyện.

Sau đó, 15 tấn hàng cứu trợ từ Thành phố Hồ Chí Minh chuyển ra, được tập hợp về đây, đưa đến tận tay đồng bào vùng thiên tai ở Bản Tát, xã Châu Quế Hạ (nơi có ba nạn nhân bị chết do lở núi), đến vùng ngập úng xã Tuy Lộc... Thời gian rảnh, anh Ngọc cùng các bạn thiện nguyện tham gia hỗ trợ nấu ăn tại nhà hàng Tùng Dương.

Trong quá trình khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra để ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, những việc làm nghĩa tình, những tấm gương thương người như thể thương thân, tinh thần lá lành đùm lá rách... còn đọng lại mãi trong lòng người dân Yên Bái.