Không lơ là phòng, chống dịch bệnh

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt, có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Những bệnh thường hay gặp sau mưa lũ là: bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết… Vì vậy, ngày 12/10/2022, Bộ Y tế đã có Văn bản số 5745/BYT-KH-TC gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Trung Bộ về việc triển khai công tác y tế chủ động ứng phó với mưa lũ.
0:00 / 0:00
0:00
Các lực lượng chức năng ở A Lưới (Thừa Thiên Huế) dọn dẹp vệ sinh giúp dân sau mưa lũ. Ảnh: Công Hậu
Các lực lượng chức năng ở A Lưới (Thừa Thiên Huế) dọn dẹp vệ sinh giúp dân sau mưa lũ. Ảnh: Công Hậu

Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, ngành y tế các địa phương đã cử các tổ, đội cơ động phòng, chống dịch có mặt tại các vùng ngập nặng để hướng dẫn người dân làm vệ sinh, xử lý ô nhiễm môi trường, cấp phát thuốc, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thứ phát và phát sinh dịch bệnh.

Tuy nhiên, tại một số nơi, nhất là khu vực miền núi, công tác vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt; không ít người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Quá trình triển khai hoạt động phòng dịch và khám, chữa bệnh cho người dân, trong mùa mưa lũ còn gặp nhiều khó khăn do đường sá đi lại xa xôi, địa hình chia cắt hiểm trở, các phong tục tập quán lạc hậu, trình độ nhận thức của một số người dân còn hạn chế...

Đặc biệt, khi có các triệu chứng của bệnh, người dân thường tự điều trị tại nhà, chưa kịp thời đến các cơ sở y tế, khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Hiện nay, mới chỉ giữa mùa mưa lũ mà tại một số khu dân cư thuộc các tỉnh miền trung đã xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết, bệnh ngoài da, bệnh về mắt và cảm cúm...

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời gian tới tại khu vực miền trung-Tây Nguyên vẫn tiếp tục có mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt sâu cục bộ tại các vùng thấp trũng; sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại vùng núi. Vì vậy, đòi hỏi các địa phương và ngành y tế tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lũ triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và các biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo.

Duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch Covid-19 phát sinh trong quá trình tổ chức phòng, chống mưa lũ. Khi phát hiện ổ dịch cần khẩn trương triển khai biện pháp phòng, chống, xử lý triệt để, tránh phát sinh thêm ca bệnh và ổ dịch mới. Đối với người dân, ngoài các biện pháp phòng dịch, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Các cơ sở y tế bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho người dân; kịp thời bổ sung lượng thuốc, hóa chất dự trữ, không để bị động, bất ngờ, gián đoạn công tác cấp cứu và điều trị bệnh cho người dân. Lực lượng chức năng phối hợp với ngành y tế triển khai phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ; sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế từ vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng lên cao bảo đảm đáp ứng phòng, chống dịch bệnh cho người dân và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.