Chống thất thoát, lãng phí trong triển khai các dự án giao thông
Tại phiên chất vấn sáng 9/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn trước thực trạng giá nguyên vật liệu, nhiên liệu hiện nay tăng cao, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Trong khi đó, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện cũng là vấn đề các đại biểu nêu lên tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) nêu câu hỏi: Trước tình hình giá nguyên vật liệu, nhiên liệu hiện nay tăng cao, liệu có hiện tượng các nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng chờ sự điều chỉnh giá, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia hay không? Nếu có thì Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng nêu trên?
Trả lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận trên thực tế có tình trạng các nhà thầu có tư tưởng chần chừ trong điều kiện vật giá tăng vọt. Theo Bộ trưởng, bên cạnh một số nhà thầu làm việc có trách nhiệm theo hợp đồng, vẫn có tình trạng một số nhà thầu trông chờ vật giá xuống mới triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng khẳng định, với những dự án trọng điểm quốc gia và những dự án đầu tư công Bộ đang triển khai, quan điểm của Bộ là rất nghiêm khắc trong thực hiện, nêu cao tinh thần trách nhiệm với ngân sách nhà nước và với địa phương.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ giao Ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu kiểm soát các công trình, nghiệm thu cơ sở để xác định thời điểm thi công, làm cơ sở để thanh quyết toán và có điều chỉnh giá theo theo thời điểm.
Nhấn mạnh hiện nay Bộ đã nghiêm túc chấn chỉnh nhiều dự án trọng điểm quốc gia và thu được kết quả khả quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, các nhà thầu đã ký hợp đồng phải thực hiện nghiêm, có khó khăn thì cần phối hợp giải quyết, không vì lý do vật giá mà chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) đề cập về tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, Bộ trưởng Giao thông vận tải khẳng định, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát về chất lượng và vấn đề chống lãng phí từ khâu lập chủ trương, dự án đầu tư và đưa ra nhiều phương án để so sánh, lựa chọn, đồng thời tăng cường kiểm tra quá trình thiết kế, giải pháp kỹ thuật, xem xét kỹ lưỡng quá trình thi công cho phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm tiến độ, chất lượng nhưng chi phí rẻ nhất.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp các địa phương để có can thiệp điều chỉnh sớm nếu các địa phương thông báo kịp thời về giá vật liệu. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để khó khăn về vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng, tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án để kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại hạn chế và phòng ngừa thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc tham gia của các Bộ, ngành sẽ làm tốt được vấn đề công khai, minh bạch mà không gây ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà thầu.
Phấn đấu triển khai 4.000km đường cao tốc
Nêu ý kiến chất vấn tại phiên họp, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu rõ, mục tiêu dự kiến triển khai trên 2.000km đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 là vấn đề rất lớn dẫn đến áp lực về vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư, vật liệu thi công. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để giải quyết những khó khăn sẽ phát sinh trong thời gian tới để bảo đảm thực hiện mục tiêu này.
Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sắp tới chúng ta sẽ triển khai khoảng 2.000km đường cao tốc, hiện nay đã hoàn thành hơn 1.200km và đang triển khai 800km. Như vậy, hết nhiệm kỳ này, tính cả hoàn thành và đang triển khai, số km cao tốc đạt được là khoảng 4.000km.
Bộ trưởng cũng thừa nhận có áp lực khá lớn, nhưng không lo thiếu vốn do theo Luật Đầu tư công, phải cân đối đủ vốn mới được phê duyệt đầu tư dự án.
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do dự án rải rác ở nhiều tỉnh, gây ảnh hưởng đến tiến độ. Do đó, theo Bộ trưởng, các địa phương cần tập trung toàn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cố gắng làm nhanh nhất để có điều kiện thi công. Chính phủ cũng đã chỉ đạo và thường xuyên tổ chức các cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Đề cập đến tiến độ xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía Đông giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai 10 dự án, trong đó có 4 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022 và tiến độ bình quân hiện nay đạt được 58%.
Cụ thể, dự án Phan Thiết-Vĩnh Hảo đạt được tỷ lệ khoảng gần 40%, phấn đấu đến ngày 30/6 nâng tỷ lệ này lên khoảng 50,8%, và sau 30/6 chỉ còn lại các lớp đá, thảm nhựa. Do đó, nhà thầu cũng như Ban quản lý dự án sẽ bảo đảm được tiến độ. Tuyến Dầu Giây-Phan Thiết hiện nay đạt được tỷ lệ 45%, cố gắng tập trung hoàn chỉnh phần nền đất trong tháng 6, để tháng 7 và 8 tập trung thảm nhựa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện Bộ đang phấn đấu để cuối năm 2022 sẽ hoàn thành 361km của các đoạn cao tốc này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn liên quan đến thời tiết bất lợi, vật giá tăng…, dẫn đến tất cả các dự án lớn đều có điều chỉnh giá. Do đó, các nhà thầu sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tháo gỡ. Bộ cũng sẽ tham mưu để có thông báo giá cho các địa phương có điều chỉnh, thanh toán kịp thời để giảm đi các chênh lệch.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng cũng khẳng định, hiện nay Bộ đang giám sát chặt chẽ tiến độ. Hàng tuần, các đồng chí Thứ trưởng phải đi công trường, nửa tháng Bộ sẽ họp 1 lần để kiểm tra, giám sát tiến độ nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình triển khai dự án cao tốc bắc-nam phía Đông giai đoạn 1 có nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp, cơ bản bảo đảm đúng tiến độ theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.