Không để đất nông nghiệp bị bỏ hoang

Đất nông nghiệp bị bỏ hoang vừa ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng, an ninh lương thực, vừa gây lãng phí tài nguyên. Đến nay, thành phố vẫn còn hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hơn 4.000ha đất canh tác không hiệu quả, chỉ làm một vụ hoặc canh tác mang tính tận dụng. Như huyện Thanh Oai có hơn 100ha, huyện Ứng Hòa khoảng 400ha, huyện Mê Linh hơn 100ha…
0:00 / 0:00
0:00

Theo nhiều người dân, thu nhập từ đồng ruộng quá thấp, trong khi làm việc tại các làng nghề hay làm công nhân cho thu nhập ổn định hơn. Hà Nội có nhiều cụm, điểm công nghiệp và khoảng 1.350 làng có nghề, thu hút nhiều lao động với thu nhập ổn định từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng trở lên, cao gấp nhiều lần so với canh tác trên đất nông nghiệp, cho nên người dân không mặn mà làm ruộng.

Ngoài ra, nhiều nơi, hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm phục vụ sản xuất, nhiều diện tích đất nông nghiệp không thuận tiện cho canh tác… Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, đất nông nghiệp trên địa bàn huyện nằm phân tán, độ chênh giữa các vùng khá lớn, cho nên việc đầu tư cho công tác tưới, tiêu phục vụ nông nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng.

Nhằm khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, các địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để động viên nông dân bám ruộng, thúc đẩy sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng lộ trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả, bị bỏ hoang sang trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi thủy sản...

Đối với những diện tích nhỏ, xen kẹt, khó xây dựng hệ thống tưới, tiêu sẽ được xem xét chuyển mục đích sử dụng sang làm đất đấu giá, đất dự án khác... Qua đó vừa giúp giảm diện tích đất bỏ hoang, vừa khai thác tối đa thế mạnh, nguồn lực từ đất, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững.

Năm 2022, thành phố Hà Nội đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần 2.000ha đất trồng lúa, trong đó chuyển gần 580ha sang trồng cây hằng năm; chuyển hơn 670ha trồng cây lâu năm và gần 640ha trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị gấp từ năm đến bảy lần so với trồng lúa.

Rõ ràng đây là cách làm hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong việc lập và triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương cần lưu ý việc sử dụng đất xen kẹt; hạn chế lấy những diện tích đất màu mỡ để phát triển các khu dân cư, đô thị; khu, cụm công nghiệp.

Mặt khác, các cơ quan quản lý cần tăng cường xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, tăng nặng hình thức xử phạt với các hành vi vi phạm, nhất là với các trường hợp không sử dụng đất trồng cây hằng năm 12 tháng liên tục, để hoang hóa, lãng phí tài nguyên.