Tính đến 6 giờ ngày 29-8, Việt Nam có tổng cộng 689 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 549 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 61.100 người, trong đó có 1.363 ca cách ly tập trung tại bệnh viện; 16.899 ca cách ly tập trung tại cơ sở khác và 42.828 ca cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này đã có 663 bệnh nhân/1.038 bệnh nhân Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 46 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 49 ca, số ca âm tính lần 3 là 29 ca.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 13 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, chiếm (3,8%) trong tổng số bệnh nhân đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 7/13 trường hợp (2,1%).
Số ca tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào tăng lên sáu trường hợp (1,8%). Số trường hợp mắc Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng
Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 30 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...
Ngày 28-8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết tại Đà Nẵng đã xuất hiện ca tái dương tính đầu tiên sau khi khỏi bệnh, xuất viện. Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nội… cũng ghi nhận một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh.
Về vấn đề này, PGS, TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trên thế giới và tại Việt Nam cũng ghi nhận khá nhiều trường hợp có tái dương tính (thường là dương tính "yếu") sau khi đã xuất viện.
Trên thế giới đã có báo cáo khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2 ở ba trường hợp bệnh nhân xét nghiệm dương tính sau 4-6 tháng xuất viện và cần được tiếp tục theo dõi để xác nhận vấn đề này.
Hiện chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm của các trường hợp tái dương tính ở mẫu ngoáy họng sau hồi phục, chưa phân lập được virus sống trong mẫu, cho dù lúc đầu nhiễm các chủng có khả năng lây lan mạnh.
Đồng thời, tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với ca tái dương tính đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Chưa ghi nhận trường hợp nhiễm thứ phát sau tái dương tính.
PGS, TS Phan Trọng Lân cho biết thêm, các khảo sát tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh khi tiến hành xét nghiệm phân lập virus cũng cho thấy những mẫu bệnh phẩm dương tính “yếu” đều không ghi nhận có virus sống sau nuôi cấy, nghĩa là không lây nhiễm hoặc khả năng lây nhiễm rất thấp. Điều này có ý nghĩa trong việc điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng xử lý kịp thời.
Trong trường hợp cần thiết, các xét nghiệm phân lập virus, giải trình tự toàn bộ gen, xét nghiệm huyết thanh học và miễn dịch học nên được xem xét chỉ định thực hiện để hỗ trợ cho việc biện luận kết quả, đánh giá diễn tiến bệnh để có thể kết luận và đáp ứng kịp thời.