Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, cơ cấu kinh tế của huyện thời gian qua đã chuyển dịch theo hướng đô thị, tăng tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Đến nay, 23/28 chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 đề ra được thực hiện đạt tiến độ, một số chỉ tiêu đạt mức cao.
Riêng năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện tăng 10,12%; tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu đạt 17.063 tỷ đồng. Huyện tiếp tục dẫn đầu thành phố về xây dựng nông thôn mới, với 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, tổng số diện tích đất thu hồi thực hiện dự án trên địa bàn huyện là 74,8ha.
Đến nay, huyện đã ban hành 802 quyết định thu hồi đất nông nghiệp của 802 hộ với diện tích 25,35/39,84ha (đạt tỷ lệ 63,62%). Tổng số mộ phải di chuyển thực hiện dự án là 1.678 ngôi, đến nay đã di chuyển 468 ngôi (đạt tỷ lệ 28,96%).
Tại buổi làm việc, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần phân tích rõ những tiềm năng, lợi thế phát triển của huyện, những vấn đề còn hạn chế, tồn tại, những “điểm nghẽn” cần phải khơi thông.
Trước tiên, cần rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ để chuẩn bị một bước cho quá trình phát triển từ xã lên phường, huyện lên quận, với yêu cầu phát triển đô thị sinh thái, mang bản sắc riêng. Huyện cũng cần bám sát các sở, ngành thành phố, tham mưu phương án xử lý dứt điểm đối với các dự án sử dụng đất chậm triển khai. Cùng với đó, tập trung giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô bảo đảm tiến độ được giao.
Phát biểu kết luận, đồng chí Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả huyện đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng địa bàn vẫn còn những khó khăn, hạn chế khi còn chín chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận chưa đạt; hạ tầng thương mại-dịch vụ, mật độ đường giao thông cũng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thu nhập bình quân đầu người còn thấp; cải cách hành chính của huyện chưa đáp ứng yêu cầu.
Đây là những vấn đề đòi hỏi huyện phải tư duy, nhận thức thêm; trên cơ sở đó phải chỉ rõ tiềm năng, lợi thế của huyện, cách thức để khai thác, phát huy nhằm đưa huyện có những bước phát triển đột phá và bền vững. Đồng thời, huyện cần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để chuẩn bị từng bước lên phường, lên quận, bởi “có đường, có đô thị mà tư duy quản lý không thay đổi thì khó”.
Nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí yêu cầu huyện Đan Phượng tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Huyện phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy; nắm chắc tình hình nhân dân, quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh điểm nóng.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực cho huyện phát triển. Cùng với tập trung nguồn lực đầu tư cho ba lĩnh vực trọng điểm là y tế, văn hóa, giáo dục, huyện cần tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; quan tâm, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Liên quan đến việc triển khai dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đồng chí yêu cầu, lãnh đạo huyện phải thường xuyên đôn đốc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tập trung cao độ nguồn lực nhằm phục vụ công tác đo đạc, kiểm đếm, di chuyển mồ mả, xây dựng khu tái định cư..., kiên quyết bảo đảm theo tiến độ chung của thành phố.