Khởi sắc thị trường lao động cuối năm

Trải qua giai đoạn sóng gió khi xuất khẩu gặp khó, lạm phát tăng khiến nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh không có đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động… nhưng những tháng cuối năm, một số doanh nghiệp đã có việc làm trở lại và tuyển dụng lao động với số lượng lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tìm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm quận Bình Tân vào tháng 9/2023.
Người lao động tìm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm quận Bình Tân vào tháng 9/2023.

Chăm chú đọc kỹ bảng tuyển dụng lao động trước Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7), chị Lê Thị Hạnh (38 tuổi, quê Quảng Ngãi) cân nhắc, lựa chọn nơi tuyển dụng phù hợp để nộp hồ sơ. Trước đây, chị là công nhân may giày có hơn mười năm làm việc tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân). Chị mất việc từ cuối năm 2022 do nhà máy không có đơn hàng. Từ đó đến nay, chị Hạnh làm đủ các việc bán thời gian từ phụ hàng ăn, giao hàng, trông trẻ… để mưu sinh. Nữ công nhân này vẫn luôn mong muốn có công việc ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ khi về hưu.

"Vài tháng trước, tôi gặp nhiều khó khăn khi nộp hồ sơ vì liên quan đến độ tuổi, trình độ thì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp mở rộng độ tuổi tuyển dụng lên đến 40, không yêu cầu tốt nghiệp cấp THPT, có thêm kinh nghiệm may là một lợi thế. Do đó, tôi được quyền so sánh mức lương, chế độ và môi trường làm việc giữa các doanh nghiệp để lựa chọn nơi làm việc tốt nhất"- chị Hạnh bộc bạch.

Tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp thành phố thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, khá nhiều lao động đến làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như tìm hiểu nhu cầu việc làm.

Anh Võ Văn Tình (35 tuổi, ngụ Quận 4) cho biết: "Tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc nên muốn tìm việc phù hợp.Tôi thấy các doanh nghiệp phần lớn tuyển nhân viên văn phòng, kế toán, phục vụ… mà ít tuyển công nhân may nên không nộp đơn ứng tuyển. Tuy nhiên, tôi không quá lo lắng vì hiện nay doanh nghiệp tuyển dụng rất nhiều, cơ hội của tôi còn ở phía trước"- anh Tình lạc quan chia sẻ.

Trong khi đó, tại nhiều sàn việc làm, ngày hội việc làm vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh đều có nhu cầu tuyển dụng công nhân với số lượng lớn. Đơn cử như Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) vừa thông báo tuyển 150 lao động cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh cuối năm và thay thế nhân sự biến động tại nhà máy ở thành phố. Ngoài thu nhập khởi điểm từ 6-11 triệu đồng/tháng, công nhân còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp và ưu đãi khác. Tiêu chí tuyển dụng cũng không quá cao, song đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa tuyển đủ người.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam Lưu Kim Hồng (Khu Công nghệ cao thành phố Thủ Đức) cho biết: Mỗi ngày, công ty tuyển dụng khoảng 50 lao động để bù cho số lượng lao động nghỉ việc. "Công ty tuyển lao động không phải vì tăng đơn hàng, mà chủ yếu do nhiều lao động thời vụ nghỉ việc nên công ty tuyển bổ sung cho đủ số lượng đáp ứng công việc. Công nhân tuyển dụng được trả lương theo thỏa thuận, có đầy đủ các chế độ… Công ty cũng mở rộng độ tuổi tuyển dụng lên tới 40 tuổi, nhằm tạo cơ hội cho người lao động được tiếp cận việc làm", ông Hồng nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung cho biết: Quận tập trung các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm mới; đồng thời, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người dân, đặc biệt là tổ chức các sàn giao dịch việc làm. Mới đây, quận đã tổ chức sàn giao dịch việc làm vào ngày 21/9, thu hút 33 doanh nghiệp trong và ngoài quận đăng ký tuyển dụng. Hơn 4.000 vị trí việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh như nhân viên bán hàng, nhân viên hành chính, nhân viên kỹ thuật, điện lạnh, tạp vụ, thợ may… đang đợi người lao động ứng tuyển.

"Từ năm 2022 đến nay, quận triển khai những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, cho vay vốn, kết nối thương mại để hạn chế số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động. Đối với lao động mất việc, quận giới thiệu việc làm, giới thiệu vay vốn làm ăn; đã có hơn 1.100 trường hợp được vay với tổng số tiền khoảng 101 tỷ đồng", bà Dung cho biết.

Báo cáo sơ kết 9 tháng năm 2023 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho thấy, từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho 242.812/300.000 lượt người (đạt 80,74% kế hoạch). Trong đó, số chỗ việc làm mới là 107.368/140.000 chỗ (đạt 76,69% kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,24%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,3%. Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố thông tin, từ đầu năm đến nay đã tổ chức 107 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn giới thiệu việc làm cho 127.206 lượt người và có 78.611 người nhận việc.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, dự báo trong những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, thị trường lao động thành phố đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp tìm được đơn hàng mới.

Dự kiến, trong quý IV/2023, nền kinh tế thành phố cần khoảng 75.500-81.500 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại-dịch vụ chiếm hơn 70,1% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm gần 29,7%...