Khôi phục niềm tin trái phiếu doanh nghiệp

Những năm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất, kinh doanh; mặt khác, đây cũng là kênh đầu tư thu hút các nhà đầu tư nhờ lãi suất hấp dẫn.
0:00 / 0:00
0:00

Năm 2021 tiếp tục là một năm bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 623.616 tỷ đồng, tăng 34,9% so với năm 2020. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng khựng lại và trị giá phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh so với năm trước. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 11/11/2022, riêng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là 329.296 tỷ đồng, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với những vấn đề bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc cơ quan chức năng đang “mạnh tay” xử lý những vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp lớn gây tác động đến tâm lý thị trường.

Phải nói rằng, rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp xuất phát từ những “lỗ hổng” trong khâu quản lý thị trường trái phiếu. Khi tăng trưởng “nóng”, thị trường xuất hiện những loại trái phiếu “ba không”: không tài sản bảo đảm, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán. Không ít trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng được bán ra với chiêu thức quảng cáo trái phiếu được phát hành thông qua một ngân hàng nào đó để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư chứng khoán SSI (SSI Research), trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 318.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, có tới một nửa trái phiếu không có tài sản bảo đảm; một nửa còn lại chủ yếu được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, rất khó minh định chính xác giá.

Do thiếu minh bạch trong quá trình tư vấn và phát hành trái phiếu cho nên các trái chủ thiếu thông tin về khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Khi có thông tin bất lợi trên thị trường, nhà đầu tư nhanh chóng mất niềm tin, phản ứng theo dây chuyền đòi lại tiền trước thời hạn. Trong khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn kỳ hạn 2-5 năm, thậm chí lâu hơn, việc trái chủ đòi lại tiền trước thời hạn gây áp lực rất lớn về thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, trên thị trường, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán nợ gốc cũng rất lớn. Theo thông tin của Bộ Tài chính, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2022 là 144.500 tỷ đồng; năm 2023: 271.400 tỷ đồng; năm 2024: 329.500 tỷ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn dòng vốn, áp lực trả nợ đang đè nặng doanh nghiệp, điều này cũng ảnh hưởng các trái chủ khi không được thanh toán như cam kết. Nhằm giữ ổn định thị trường, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu. Trong trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn chi trả, Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, không gây mất trật tự xã hội...

Để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, cùng với những biện pháp cứng rắn xử lý nghiêm những sai phạm nhằm “thanh lọc” thị trường, các cơ quan chức năng cần rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý chặt chẽ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để lành mạnh hóa thị trường. Trước mắt, cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ về phát hành trái phiếu riêng lẻ để phù hợp tình hình thực tiễn.

Về giải pháp khơi thông vốn cho trái phiếu doanh nghiệp, trước hết doanh nghiệp phải chủ động minh bạch thông tin “sức khỏe” của mình trước các nhà đầu tư. Khi hồ sơ minh bạch, thông tin minh bạch, nhà đầu tư sẽ quan tâm và thương thảo về lãi suất trước khi quyết định đầu tư. Với các nhà đầu tư, cần phòng ngừa rủi ro trái phiếu doanh nghiệp bằng cách tìm hiểu thông tin từ những nguồn tin cậy, minh bạch. Trước khi đầu tư, cần quan sát thực trạng doanh nghiệp và ghi nhận thông tin từ những nguồn tin chính thống, rõ ràng.