Giờ ôn tập môn Toán của học sinh lớp 7A, Trường trung học cơ sở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên thật sôi nổi. Mỗi câu trả lời đúng của trò được thầy giáo thưởng đôi khi là một cái kẹo, hay một chiếc bút, một quyển sổ nhỏ hay có khi là một tràng pháo tay giòn giã của các bạn trong lớp... Sáng kiến biến giờ ôn tập đơn điệu thành giờ ôn tập hứng thú, khơi nguồn cảm hứng học tập cho học sinh này là của thầy giáo Lại Thế Anh, giáo viên Toán-Lý. Phương pháp ấy được thầy Thế Anh áp dụng những năm học qua và tới năm 2022, thầy đã viết thành sáng kiến và được Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Văn Yên đánh giá cao.
Năm học 2018-2019, thầy giáo Thế Anh được phân công dạy Toán lớp 9. Nhận thấy học sinh không hào hứng, uể oải với mỗi giờ ôn tập, trong khi đó giờ ôn tập lại rất quan trọng, nên thầy nghĩ cần phải thay đổi. Qua thực tế giảng dạy, học sinh rất hào hứng với phương pháp mới, các em vừa được chơi, vừa được học, lại hệ thống được kiến thức cũ. Những trò chơi được sáng tạo dựa trên chương trình Ðường lên đỉnh Olympia, có tính gợi mở, nhiều đáp án, để trả lời được buộc học sinh phải tư duy nhanh, sáng tạo. Phương pháp này áp dụng được với tất cả đối tượng học sinh, kể cả học sinh khuyết tật.
Qua vận dụng kiến thức vào mỗi trò chơi, khai thác hoạt động cả giờ học rồi tổ chức liền mạch thành bốn trò chơi theo bốn hoạt động chính là khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Ðặc biệt, khi chia đội, thầy bố trí các bạn học tốt kèm bạn yếu hơn và yêu cầu các bạn yếu sẽ phải là người đại diện cho đội trả lời. Em Nguyễn Ðức Thịnh, lớp 7A cho biết, học sinh trong lớp rất thích mỗi giờ ôn tập của thầy Thế Anh, vừa vui mà lại dễ dàng hệ thống được kiến thức đã học trước đó.
Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Văn Yên đã chú trọng khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên toàn ngành đổi mới phương pháp, hoạt động giáo dục, đồng thời xây dựng những sáng kiến ý nghĩa. Ðó là, ngay từ đầu các năm học, các trường tổ chức tốt việc phát động phong trào nghiên cứu khoa học, viết báo cáo sáng kiến trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bằng việc ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai. Qua đó, 100% số trường đăng ký các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân, đăng ký viết sáng kiến. Trong năm học 2021-2022, toàn huyện có 593 sáng kiến được đăng ký, trong đó ở bậc mầm non 243 sáng kiến, tiểu học 196 sáng kiến, trung học cơ sở có 154 sáng kiến.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Văn Yên Lê Thị Thanh Bình cho biết: Phong trào sáng kiến kinh nghiệm có vai trò quan trọng đối với cán bộ, giáo viên toàn ngành. Ðược trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ giáo viên có ý thức cao hơn đối với công việc, đồng thời việc lựa chọn đề tài phù hợp các hoạt động giáo dục không chỉ dạy và học mà còn là kỹ năng sống, phát huy năng lực, sở trường của học sinh. Qua phong trào, cán bộ, giáo viên trong huyện chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Ðáng chú ý, nhiều sáng kiến kinh nghiệm được viết theo nhóm chất lượng cao, sức lan tỏa lớn. Những sáng kiến đó sẽ được tổ chức xây dựng hội thảo chuyên đề theo từng cấp học, từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
Từ nhận thức xây dựng "Trường học hạnh phúc" không phải là làm những điều lớn lao mà làm từ những điều nhỏ nhất như những cử chỉ âu yếm, quan tâm của thầy, cô giáo với học sinh, đem lại sự tự tin cho học sinh và cảm nhận được yêu thương; các lớp học được trang trí theo hướng thân thiện, hạnh phúc… Các trường học trên địa bàn huyện Văn Yên đã triển khai các phong trào: Nói lời hay-làm việc tốt; đôi bạn cùng tiến; những tấm gương tiêu biểu. Hằng tuần, tổ chức tổng hợp những tấm gương tiêu biểu tuyên dương dưới cờ hoặc gửi tới các lớp để từ đó động viên khích lệ và nhân rộng.
Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Mậu A Lê Văn Hùng chia sẻ, bên cạnh việc cải tạo khuôn viên, thư viện xanh, nhà trường vận động các thầy, cô giáo, phụ huynh cùng xây dựng cải tạo cảnh quan lớp học, trường học, tạo cho học sinh không gian học tập thoải mái, tích cực, an toàn. Từ khi mô hình "Trường học hạnh phúc" được áp dụng đã giúp học sinh thêm hứng khởi, chăm ngoan hơn, không khí học tập tích cực, không áp lực, tất cả học sinh đều được đối xử công bằng. Khi áp dụng mô hình, mối quan hệ cô trò, đồng nghiệp trở nên thân thiện vui vẻ, yêu trường yêu lớp. Có lớp, chủ nhiệm quan tâm tổ chức sinh nhật theo tháng cho học sinh, rồi làm thư khen khi học sinh đạt thành tích hoặc làm được việc tốt, từ những việc nhỏ như thế đã bảo đảm tỷ lệ chuyên cần đạt gần 100%...
Qua thực tế xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc" cũng đã khắc phục được bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và học sinh. Tuy vậy, nhận thức về mô hình "Trường học hạnh phúc" của một số cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng chưa đầy đủ, các tiêu chí đề ra chủ yếu dưới dạng định tính mà chưa đong đếm được, vì vậy khó đánh giá bình xét, xếp loại.
Thời gian tới, ngành giáo dục huyện Văn Yên cũng như tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy cách đổi mới, sáng tạo, sát thực tế, để lan tỏa hơn nữa tinh thần "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui".