Ngay từ khi còn học THPT, Lương Văn Nam đã xác định hướng đi cho bản thân là lập nghiệp trên quê hương. Đến năm cuối THPT, Nam đã xin gia đình làm chuồng và mua 500 con gà giống về nuôi. Nhưng do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm cho nên lần đầu khởi nghiệp thất bại, đàn gà bị dịch chết gần hết... Không nản lòng, tốt nghiệp xong, Nam lặn lội xuống huyện Ba Vì (Hà Nội) xin vào làm tại trang trại nuôi gà để học kinh nghiệm. “Thời gian làm ở trang trại nuôi gà ở Hà Nội, mặc dù vất vả, nhưng thật sự hữu ích. Tôi đã trang bị cho mình những kiến thức chăn nuôi gà quy mô trang trại, từ kinh nghiệm chọn con giống, cách chăm sóc, lịch sử dụng vắc-xin phòng bệnh, cách phát hiện gà có bệnh và xử lý”, Lương Văn Nam cho biết.
Đến cuối năm 2019, sau nhiều tháng học hỏi kinh nghiệm, Nam về quê, vay mượn bạn bè đầu tư thêm chuồng trại, lựa chọn giống gà đặc sản để nuôi nhằm tạo sự khác biệt và có tính cạnh tranh cao. Gà xương đen có chất lượng thịt thơm, ngon, là giống gà bản địa, được nuôi nhỏ lẻ, nhưng phổ biến trong cộng đồng người H’Mông ở vùng cao Hà Giang. Không những vậy, Nam đã đi khắp các huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, vào từng xóm, bản để đặt con giống gà xương đen về nuôi. Vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, năm 2020 Nam đã xuất chuồng hàng nghìn con gà xương đen thành phẩm có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2021, quy mô chăn nuôi gà xương đen tiếp tục được mở rộng, Nam đến Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn động vật, Viện Chăn nuôi đặt mua 10 nghìn con giống gà xương đen về nuôi. Nam chia sẻ: “Số lượng con giống mua về lớn cho nên cũng lo, nhưng do có thời gian học tập kinh nghiệm ở Hà Nội, lại có kinh nghiệm thực tế nuôi gà xương đen tại địa phương, con giống mua về phát triển tốt. Do đây là giống gà đặc sản cho nên gà đen thương phẩm có thị trường tiêu thụ thuận lợi ở Hà Giang, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Giá bán ra thị trường dao động từ 120 đến 150 nghìn đồng/kg, cao hơn các giống gà thông thường”.
Hiện nay, trang trại gà xương đen có 16 chuồng với diện tích hàng nghìn mét vuông, trong chuồng lúc nào cũng nuôi từ 7.000-10.000 con. Thu nhập hằng năm của Nam lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Do có thị trường tiêu thụ thuận lợi, Nam đang liên kết với bốn hộ dân trong xã nuôi gà xương đen theo hình thức cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; người dân bỏ tiền đầu tư chuồng trại, công lao động, thức ăn chăn nuôi. Mỗi gia đình liên kết chăn nuôi với quy mô 1.000 con giống có nguồn thu vài chục triệu đồng/lứa. Hiện nay, đã có thêm gần 10 hộ trong và ngoài xã đăng ký tham gia mô hình liên kết.
Đầu năm 2023, mô hình khởi nghiệp nuôi gà xương đen của Lương Văn Nam đã đoạt giải nhất trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 do Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức. “Mô hình nuôi gà xương đen bước đầu cho hiệu quả, nhưng thu nhập mang lại chưa cao vì chỉ dừng ở việc nuôi và cung cấp gà sống ra thị trường. Mong muốn của tôi là sẽ tích lũy vốn, kinh nghiệm, sau này sẽ đầu tư hệ thống chế biến thức ăn chăn nuôi, cơ sở chế biến gà và các thiết bị khác để đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ gà đen, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn và mở rộng quy mô liên kết với các hộ dân”, Lương Văn Nam chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy xã Tùng Bá Hoàng Trung Tá cho biết: “Lương Văn Nam là thanh niên tiêu biểu ở địa phương, dám nghĩ, dám làm để có mô hình khởi nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Trong tháng 9, mô hình khởi nghiệp của Nam được huyện Vị Xuyên chọn là mô hình điểm để thanh niên và người dân đến học tập kinh nghiệm” ■