Trong khi Cứu quốc quân 1, 2 bị khủng bố dã man ở Bắc Sơn, Võ Nhai, thì ở các huyện Ðịnh Hóa, Phú Lương, Chợ Chu (Thái Nguyên); Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), một bộ phận của Cứu quốc quân 2 đã trụ được và gây dựng phong trào Việt minh, cơ sở cách mạng vững chắc. Ðặc biệt, tại Tuyên Quang, phong trào phát triển rất mạnh và là trung tâm của khu vực cho nên ngày 25-2-1944, được sự nhất trí của Trung ương, Trung đội Cứu quốc quân 3 được thành lập tại Khuổi Kịch (Tân Trào - Sơn Dương). Trước sự lớn mạnh của phong trào Việt minh và căn cứ địa cách mạng, tại Chiến khu 2 (phần lớn phía bắc nước ta), Trung ương đã thành lập hai phân khu gồm Phân khu A (Phân khu Quang Trung) và Phân khu B (Phân khu Nguyễn Huệ). Tuyên Quang là trung tâm của Phân khu Nguyễn Huệ. Ðến giữa năm 1944, tại hầu hết các địa phương của tỉnh Tuyên Quang, cơ sở cách mạng, phong trào Việt minh phát triển mạnh mẽ, lan sang các tỉnh lân cận.
Tháng 12-1944, Ðội Vũ trang tuyên truyền đầu tiên ở Sơn Dương được thành lập. Ðây là một trong những nhân tố tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng ở Sơn Dương, đặc biệt là tổng Thanh La.
Tổng Thanh La gồm bốn xã: Kim Trận, Thanh La, Hạ Yên, Kháng Lực. Thanh La là một xã lớn của tổng, lại ở gần cơ quan chỉ đạo của Phân khu Nguyễn Huệ. Ðồng bào ở đây được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng. Mặt trận Việt minh ở xã lớn mạnh. Bộ máy tay sai suy yếu. Một số chức sắc đã ngả theo cách mạng. Từ đầu năm 1945, phong trào "sắm vũ khí, đuổi thù chung" ở Thanh La diễn ra rầm rộ. Ðó là những nhân tố để phong trào ở Thanh La phát triển mạnh mẽ hơn.
Sau cuộc đảo chính của phát-xít Nhật (ngày 9-3-1945), bộ máy tay sai ở Thanh La càng suy yếu, rệu rã. Trước tình hình đó, đồng chí Song Hào và ban lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ (Lê Hiến Mai, Tạ Xuân Thu, Trần Thế Môn, Trung Ðình) chủ trương phát động khởi nghĩa để "bắt mạch" thăm dò phản ứng của địch. Ban lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Song Hào, sau đó đã triệu tập các cơ sở cách mạng họp chuẩn bị khởi nghĩa. Xã Thanh La được chọn làm nơi "bắt mạch" đầu tiên đối với chính quyền địch.
Ðêm 10-3-1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Tạ Xuân Thu và Ban Chỉ huy Phân khu Nguyễn Huệ, lực lượng vũ trang cách mạng đã nhanh chóng tước vũ khí của lính dõng, bắt bọn tổng lý, hương dõng phải quy phục, giao nộp súng ống, bằng sắc, triện đồng cho ta. Ta giải phóng hoàn toàn xã Thanh La trong đêm 10-3-1945. Ðây là cuộc khởi nghĩa cấp xã giành thắng lợi sớm nhất trong cả nước. Thắng lợi nhanh chóng của cuộc khởi nghĩa Thanh La cho thấy địch đã suy yếu, khởi nghĩa giành chính quyền có thể nổ ra, thành công ở từng xã, huyện rồi phát triển lên phạm vi lớn. Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ quyết định mở rộng hoạt động.
Sáng 11-3-1945, sau cuộc mít-tinh tuyên thệ tại sân đình Thanh La, quân khởi nghĩa với nòng cốt là lực lượng Cứu quốc quân 3 và tự vệ địa phương giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ cách mạng tiến về giải phóng Ðăng Châu, huyện lỵ Sơn Dương.
Ðêm 12, rạng sáng 13-3-1945, ta bao vây đánh đồn Ðăng Châu và hạ đồn sau ít phút, thu hơn 100 khẩu súng, hàng chục két lựu đạn phân phát cho các đội tự vệ, phá kho thóc của Nhật ở huyện lỵ để chia cho dân nghèo.
Mặc dù nhanh chóng chiếm được đồn Ðăng Châu, nhưng Ban lãnh đạo vẫn sáng suốt nhận định: Ðăng Châu là một vị trí quan trọng, án ngữ con đường từ Tuyên Quang đi Vĩnh Yên và sang Thái Nguyên, thế nào địch cũng tìm cách chiếm lại, do đó Phân khu Nguyễn Huệ đã cho rút quân về Ao Búc để củng cố lực lượng, chuẩn bị đối phó.
Ðúng như dự đoán của ta, ngày 14-3-1945, tri châu Hoàng Thế Tâm, tri phủ Yên Sơn Ðèo Văn Phú, quan hai Nguyễn Văn Chung từ Tuyên Quang đem lính khố xanh chiếm lại Ðăng Châu. Ta chủ động bao vây, tiến đánh đồn Ðăng Châu một lần nữa và giành thắng lợi nhanh chóng. Hầu hết quân địch đều bị tiêu diệt hoặc xin hàng, một số xin đi theo cách mạng. Ta thu 70 súng cùng nhiều đồ quân dụng.
Sau khi Ðăng Châu được giải phóng, ngày 16-3-1945, Phân khu Nguyễn Huệ tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại đình Thanh La, tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu. Ðây là chính quyền nhân dân cấp châu đầu tiên của Tuyên Quang và cũng là chính quyền cách mạng cấp châu đầu tiên trong cả nước.
Khởi nghĩa Thanh La đã lật đổ chính quyền của thực dân Pháp - phát-xít Nhật và các thế lực phong kiến tay sai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Cuộc khởi nghĩa này thể hiện tinh thần chủ động của Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ và Ðảng bộ địa phương. Ðối với tiến trình cách mạng Tháng Tám, khởi nghĩa Thanh La thành công là thắng lợi sớm nhất, trọn vẹn nhất, mở đầu cho thời kỳ khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 theo đúng đường lối cách mạng của Ðảng ta.