Dự hội thảo có đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đại diện một số bộ, ngành của Trung ương; lãnh đạo một số Viện nghiên cứu khoa học; lãnh đạo Quân khu I; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn; đại diện lãnh đạo các huyện ủy và thành ủy.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo nêu rõ: Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940) là cuộc Khởi nghĩa mở đầu thời kỳ đấu tranh mới của cách mạng Việt Nam - thời kỳ kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nổi dậy của quần chúng kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Tuy thắng lợi được diễn ra trên phạm vi địa bàn một huyện, nhưng khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tại Hội thảo, đã có 60 tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành và các địa phương tỉnh Lạng Sơn, các nhà khoa học. Các tham luận khoa học đã đi sâu làm rõ hơn nữa ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn; làm rõ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Khởi nghĩa Bắc Sơn; tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi của Khởi nghĩa Bắc Sơn; sự ra đời của Du kích Bắc Sơn và các Đội Cứu quốc quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; bài học kinh nghiệm về lựa chọn thời cơ khởi nghĩa, giành và giữ chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng; đề xuất các cơ chế, chính sách, phương hướng, giải pháp quy hoạch, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn vào ngày 27-9-1940 là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, là “tiếng súng” mở đầu cho thời kỳ đấu tranh vũ trang giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã để lại nhiều bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; là sự khẳng định chuyển hướng đấu tranh đúng đắn của Đảng được định ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 tháng 11-1939.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí chỉ rõ, sau cuộc Hội thảo này, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử… cần tiếp tục sưu tầm, cung cấp tư liệu sự kiện liên quan đến Khởi nghĩa Bắc Sơn để các cơ quan Trung ương cũng như của tỉnh Lạng Sơn bổ sung vào công tác nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử này.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan của tỉnh Lạng Sơn cần tích cực phát huy kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ, hiểu đúng giá trị lịch sử của Khởi nghĩa Bắc Sơn. Qua đó, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, trong giai đoạn hiện nay; các cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Bắc Sơn nói riêng cần tiếp tục đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng phát triển.