Khơi mở thêm nguồn lực phát triển

Ngày 1/8/2023, đánh dấu tròn 15 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12.
0:00 / 0:00
0:00

Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành và khởi công. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường.

Những kết quả đạt được đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, để Hà Nội có không gian đủ tầm để phát triển. Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước.

Theo thống kê, bình quân giai đoạn 2011-2022, GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm). Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng, gấp 1,45 lần cả nước; gấp 3,5-3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng).

Từ thực tế, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay. Sự phát triển mang tính bứt phá, xóa nhòa những hình ảnh khó khăn của những vùng nông thôn xa, vùng miền núi. Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, đã có 15 trong số 18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); trong đó đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ đó, khu vực nông thôn Hà Nội phát triển rõ nét theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, trong đó 16 quận, huyện đã không còn hộ nghèo.

Với không gian phát triển rộng mở, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông để tăng cường kết nối, tạo thêm động lực xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô. Phấn đấu đến năm 2025 có từ ba đến năm huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm từ một đến hai huyện phát triển thành quận; định hướng phát triển hai thành phố ở phía bắc và phía tây trực thuộc Thủ đô.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, như công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái chưa đạt tiến độ, còn gặp nhiều vướng mắc. Việc phát triển mô hình chùm đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn hạn chế; phát triển đô thị chưa đồng đều, thiếu đồng bộ và chưa tương xứng với tiềm năng.

Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không phù hợp quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn; di dời các cơ sở sản xuất, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh theo quy hoạch chưa bảo đảm tiến độ.

Việc nhận diện rõ những khó khăn, hạn chế này chắc chắn sẽ giúp thành phố thêm quyết tâm hơn với mục tiêu đã đề ra. Dù phía trước vẫn còn thử thách, nhưng với tinh thần “đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm” cùng những kinh nghiệm, bài học và những kết quả toàn diện đã đạt được sẽ là hành trang quý giá để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tiếp tục khơi mở các nguồn lực, dựng xây một Thủ đô giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, hiện đại, văn minh.