Tại nhiều siêu thị, cửa hàng, đại lý, nhiều quầy, kệ đã thu gọn các mặt hàng khác để dành chỗ, ưu tiên cho các hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các sản phẩm bánh mứt kẹo, giỏ quà. Bước vào cửa hàng, người tiêu dùng dễ dàng cảm nhận được không khí Tết đang đến rất gần.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, từ tháng 9/2023, Sở đã chủ động theo sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Dự báo về khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu trong đợt Tết sắp đến, Sở ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023) và đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch thực hiện.
Bên cạnh đó, từ tháng 7/2023, thành phố Hà Nội triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.
Qua đó, đã vận động 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn thành phố, trong đó, có hơn 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và hơn 500 bếp ăn tập thể.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7 đến 25%, tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2023.
Trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%. Một số doanh nghiệp còn chủ động dự trữ hàng hóa cao hơn mức mà Sở Công thương và thành phố Hà Nội giao, để sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp, các tình huống dịch bệnh... có thể xảy ra.
Từ đó, có thể chủ động đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống. Các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết Nguyên đán đang được các doanh nghiệp sản xuất hối hả chuẩn bị và đưa đến các hệ thống phân phối.
Các doanh nghiệp phân phối đã chủ động đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung hàng hóa và mức giá từ sớm để có thể bảo đảm nguồn cung và dự trữ theo yêu cầu của thành phố.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, đơn vị đã tăng cường dự trữ hàng hóa, nhất là 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình Bình ổn thị trường như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo...
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tổng công ty còn dự trữ các nhóm mặt hàng như mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...), các loại quả, hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...
Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước gần đạt 1.000 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm lượng hàng hóa đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Tại hơn 40 điểm bán trong hệ thống siêu thị Hapro, BRGMart, các mặt hàng phục vụ Tết đã khá dồi dào, tăng từ 20-30% sản lượng bán hàng so với năm 2023.
Giám đốc siêu thị Coop Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ trong ba tháng, trước, trong và sau Tết của siêu thị lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20 đến 50% tùy theo nhóm hàng so với các tháng bình thường. Trong đó, ưu tiên dự trữ các nhóm hàng bình ổn thị trường...
Ngay từ giữa tháng 12/2023, chương trình Tết của Saigon Co.op sẽ mở màn bằng các hoạt động giảm giá trực tiếp từ 50 đến 100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết. Chuỗi chương trình này kéo dài đến sát Tết Nguyên đán, riêng trong 10 ngày cận Tết sẽ tiếp tục giảm giá sâu hơn...
Để bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm tạo nguồn hàng chất lượng, ổn định, thành phố sẽ tăng cường triển khai các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại như tổ chức các hội chợ, tuần hàng, lễ hội... giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm hàng hóa tới trực tiếp người tiêu dùng.
Các sở, ngành, quận, huyện sẽ tổ chức các điểm chợ Hoa xuân, Hội chợ nông sản, thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 phục vụ nhân dân. Đồng thời, tiếp tục kết nối các doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử lớn để mở rộng thêm các hình thức cung ứng hàng hóa tới người tiêu dùng.
Thành phố sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường được hoạt động 24/24 giờ tại khu vực nội thành để bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá vào giai đoạn cao điểm.