Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được xác định là bước đệm quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội tổng thể, toàn diện và lâu dài. Ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân là một trong những yếu tố then chốt huy động nguồn lực xã hội hóa, từ đó tạo được sự đồng thuận để xây dựng xã nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới tại thôn Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. (Ảnh Quang Phú)
Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới tại thôn Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. (Ảnh Quang Phú)

Mới đây, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vinh dự được chọn là một trong hai xã đầu tiên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng bộ và nhân dân xã đặt ra quyết tâm xây dựng xã Hoằng Lộc đạt các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, tạo nền tảng tiến tới đô thị hóa trước năm 2025. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tiến tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa nông thôn, khắc phục những yếu kém, bất cập trong xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã luôn đồng hành với cơ sở, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên để hỗ trợ người dân, cộng đồng, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Ban Chấp hành Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, bổ sung yêu cầu xây dựng Nhà sạch-vườn đẹp-ngõ văn minh vào tiêu chí đánh giá khu dân cư kiểu mẫu và xem đây là tiêu chí thứ 16 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 59,3 triệu đồng; xã không còn hộ nghèo; 100% các tuyến đường liên thôn, ngõ xóm được cứng hóa; 97,8% số lao động có việc làm; số người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,1%; xã có mô hình thể thao tiêu biểu thu hút hơn 60% số người tham gia, tất cả các thôn có câu lạc bộ văn hóa văn nghệ hoạt động thường xuyên.

Theo Đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, sau 12 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế của địa phương, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Tổng huy động nguồn lực trong chương trình xây dựng nông thôn mới sáu tháng đầu năm 2022 đạt 3.821,1 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; có 346 xã, 902 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chín xã và 234 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 789 hợp tác xã, trong đó 490 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, hơn 80 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 35 hợp tác xã nông nghiệp tham gia sản xuất với 48 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng.

Công tác giáo dục được các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, chú trọng, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đầu tư xây dựng nâng cấp, mua sắm trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Sáu tháng đầu năm 2022 có thêm 87 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đã tạo việc làm mới cho 29.650 lao động, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động bị mất việc làm.

Tình hình dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác cơ bản được kiểm soát ổn định; công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tiếp tục được quan tâm chú trọng; công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại tuyến y tế cơ sở được tăng cường, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản dễ dàng hơn, có chất lượng, tiết kiệm thời gian và chi phí... Đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới cho biết, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ để có sự điều chỉnh và giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, nhất quán phương châm chỉ đạo là xây dựng nông thôn mới phải gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn. Xác định lấy người dân là chủ thể, khơi dậy và phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân. Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho người dân hiểu rõ vai trò của mình, dựa vào nội lực là căn bản và tích cực, tự giác, sáng tạo trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới và nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn các xã chưa đạt chuẩn là các xã có xuất phát điểm thấp. Nông nghiệp phát triển chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào thiên tai, thời tiết, thị trường tiêu thụ; chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao; sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị còn chưa nhiều; chưa có nhiều sản phẩm mới, có thương hiệu.

Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hình thành chủ yếu tự phát, hiệu quả chưa ổn định; kết nối thị trường chưa thông suốt; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp khó khăn. Cùng với đó là vấn đề thu gom, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt, ô nhiễm không khí từ chăn nuôi ở nhiều xã gặp khó khăn, có nơi trở thành vấn đề nổi cộm, đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến cảnh quan và chất lượng môi trường nông thôn.

Để công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các địa phương khác đạt hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát thực tế, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và tạo môi trường để người dân phát huy được vai trò chủ thể của mình. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, quán triệt nhận thức đối với đội ngũ cán bộ các cấp và người dân, cộng đồng về xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, nhất là khu vực miền núi; triển khai, xây dựng thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu trên phạm vi toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách các cấp, lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ các thôn, bản xây dựng nông thôn mới; quan tâm, chú trọng thực hiện các nội dung liên quan đến cuộc sống của người dân. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản; giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất nhằm giúp thôn khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản.