Khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên

Những năm gần đây, các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên; qua đó, vừa góp phần nâng cao chất lượng học tập, vừa khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học của sinh viên.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh tại Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh tại Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, hằng năm, Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp trường. Đồng thời, nhà trường rất chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường có kinh nghiệm thực tiễn. Chỉ tính trong năm học 2021-2022, Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 520 công bố khoa học trong và ngoài nước. Cũng trong năm học này, đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Giải nhất tại Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên năm 2022.

Thạc sĩ Phan Thị Thành (Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Nghiên cứu khoa học là một hình thức tổ chức dạy học đặc thù ở bậc đại học, có tác dụng giúp sinh viên chủ động học tập, tìm tòi sáng tạo; giúp phát triển tối ưu tư duy sáng tạo, kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên trong quá trình tiếp nhận tri thức. Hoạt động nghiên cứu khoa học là cơ hội để sinh viên tự thể hiện nhân cách của mình và hình thành kỹ năng làm việc nhóm, cũng như góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Theo các chuyên gia, sinh viên nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng và cần thiết của công tác đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế thế giới, hội nhập về giáo dục, xây dựng và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học cho sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay là một yêu cầu bức thiết. Qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tính tự chủ sáng tạo và năng động, một tố chất rất cần thiết cho sinh viên hiện nay.

Ngày nay, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra sâu rộng đã đặt ra cho sinh viên những thách thức mới. Muốn thành công, sinh viên phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học độc lập, lao động sáng tạo… để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập. Cho nên, cùng với học tập để nâng cao tri thức, sinh viên phải tham gia nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, cao đẳng chưa thật sự thu hút nhiều sự quan tâm của sinh viên. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động này chưa nhiều, cơ chế thu hút sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Quan trọng hơn là thói quen học tập thụ động của sinh viên, sinh viên chỉ quan tâm những bài học trên lớp, chưa chủ động nghiên cứu, tìm tòi cơ hội để học tập và nâng cao kiến thức thực tiễn.

Một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay thiếu sự đam mê học tập, chưa có mục tiêu phấn đấu rõ ràng và không có kế hoạch cụ thể. Sự hiểu biết của sinh viên về phong trào nghiên cứu khoa học trong trường chưa đủ cả về chất và lượng. Một số giảng viên còn xem nhẹ công tác nghiên cứu khóa học cho sinh viên, chỉ tham gia mang tính bắt buộc, đối phó cho nên chất lượng một số đề tài chưa cao, và chưa tạo được động lực, niềm đam mê cho sinh viên nghiên cứu khoa học.

Để hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào thực chất, các chuyên gia cho rằng, các trường đại học cần nâng cao vai trò, nhận thức của giảng viên, người học về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích, động viên sinh viên tích cực tham gia hoạt động này.

Đồng thời, các trường đại học cần tăng cường nguồn kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên bằng cách thành lập Quỹ khoa học và công nghệ; ưu tiên cho các đề tài có sản phẩm công bố khoa học trên các tạp chí uy tín và có mô hình, ứng dụng thực tiễn. Cùng với đó, các trường cần tạo ra các hoạt động bổ ích phát huy tính sáng tạo, tìm tòi khoa học trong môi trường học tập; xây dựng chặt chẽ mạng lưới doanh nghiệp kết nối với trường học trong công tác nghiên cứu, ứng dụng các đề tài vào thực tiễn; khuyến khích phát triển các hình thức khởi nghiệp, dự án ươm mầm sáng tạo trong môi trường sinh viên.

Hoạt động nghiên cứu khoa học mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong quá trình học tập của sinh viên tại trường đại học, một mặt giúp sinh viên đào sâu kiến thức tăng sự hiểu biết, mặt khác hình thành các kỹ năng nghiên cứu, góp phần rèn luyện tư duy khoa học. Vì vậy, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên là điều hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Để thực hiện được điều này cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa trường đại học, sinh viên và các cơ quan liên quan.

Thạc sĩ Phan Thị Thành cho rằng: Bản thân sinh viên cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, bởi vì, nghiên cứu khoa học sẽ mang lại nhiều lợi ích hữu hiệu cho sinh viên. Cho nên, sinh viên cần xác định rõ học tập-thành tích-kiến thức phải gắn liền với công tác nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, nhà trường cần tăng cường nâng cao nhận thức cho sinh viên về hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo tiền đề để sinh viên hứng thú với công việc nghiên cứu khoa học, như: Tạo ra phong trào nghiên cứu khoa học bằng cách tổ chức nhiều cuộc thi, sân chơi trí tuệ nhằm thu hút sinh viên tham gia, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức; xây dựng câu lạc bộ học thuật dành cho sinh viên. Nhà trường cần cải tiến và duy trì môi trường nghiên cứu tốt, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học, nâng cấp phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học.