Gặp anh, trò chuyện cùng anh, ta luôn có được cảm giác dễ gần bởi sự chân tình, dịu dàng toát ra từ nơi anh nhưng cũng rất quyết liệt trong các cuộc tranh luận như không muốn thỏa hiệp vậy.
Xem tranh của anh, ta thấy có những bức màu đơn giản, hình được tiết chế, buông lơi thật nhẹ nhàng. Nhưng cũng có nhiều bức sắc đối chọi, mầu chen lấn chồng đè lên nhau phủ đầy bề mặt tranh thật quyết liệt mà vẫn cho ta một cảm giác bình yên đến lạ.
Cha anh, họa sĩ Trần Lưu Hậu là một họa sĩ nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt ở dòng tranh trừu tượng, ông đã rất thành công và có ảnh hưởng tới nhiều họa sĩ thế hệ sau.
Là con, đương nhiên anh luôn tự hào và cũng được thừa hưởng nhiều từ cha mình. Nhưng sự nổi tiếng, sự thành công của cha cũng là áp lực đối với anh, bởi anh cũng một lòng theo tranh trừu tượng và muốn vượt khỏi cái “bóng” của cha mình trong sự nghiệp riêng.
Yêu những cây bàng vừa trút lá, yêu những ngõ nhỏ của Hà Nội, yêu những hàng phi lao hay những bờ rào giăng lưới ven biển, anh đã vẽ, đã tự dìm xóa những hình hài cụ thể như thật, rồi từ từ thêm, bớt hoặc nhấn mạnh những hình khối, mảng màu, đậm nhạt xa gần để đặt lại cho người xem chiêm ngưỡng nó bằng một không gian khác - không gian trừu tượng của chính anh.
Với gần 30 bức tranh khổ lớn Trần Lưu Mỹ chọn để trưng bày trong triển lãm Khoảng trống diễn ra từ ngày 15 đến 22-11 tại Nhà triển lãm 42 Yết Kiêu (Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam), công chúng yêu mỹ thuật lại được thưởng ngoạn một không gian hội họa trừu tượng mang tên Trần Lưu Mỹ.
Bằng sự kiên trì sáng tạo trong nhiều năm, tôi nghĩ anh là một trong những họa sĩ có đóng góp không nhỏ cho dòng tranh trừu tượng của mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Tranh đúng là người và người là tranh vậy!