WB, quỹ CHAI dự kiến sẽ mua kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam

NDO -

NDĐT - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam dự kiến sẽ được các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), quỹ CHAI mua để đưa vào chương trình tài trợ cho các nước trên toàn thế giới.

Xử lý mẫu để xét nghiệm sàng lọc Covid-19 bằng kỹ thuật Real-time PCR tại Thanh Hóa. Ảnh: MAI LUẬN.
Xử lý mẫu để xét nghiệm sàng lọc Covid-19 bằng kỹ thuật Real-time PCR tại Thanh Hóa. Ảnh: MAI LUẬN.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất.

WHO đã đánh giá bộ kit LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do công ty Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00.

Thư chấp thuận của WHO gửi Công ty Việt Á đề ngày 24-4, kèm theo Thư thỏa thuận. Theo đó, đại diện WHO vui mừng thông báo bộ kít của Việt Nam đã được chấp nhận và được gắn mã số. Tuy nhiên, việc đánh giá theo thủ tục EUL sẽ chỉ bắt đầu khi WHO nhận được Thư thỏa thuận được phía nhà sản xuất là công ty Việt Á ký và gửi bản cứng cho WHO.

WB, quỹ CHAI dự kiến sẽ mua kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam ảnh 1

Thư chấp thuận của WHO gửi Công ty Việt Á.

Mục đích của WHO đưa ra danh sách EUL về sản phẩm y tế là nhằm cung cấp hướng dẫn cho các cơ quan Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên của WHO để chấp nhận sử dụng một sản phẩm cụ thể trong bối cảnh trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Trước đó, ngày 21-4, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm này. Bộ kít xét nghiệm Covid-19 có thể được bán tự do ở tất cả các quốc gia thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu bao gồm Vương quốc Anh.

Sau khi được Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép, bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu với số lượng cam kết ít nhất 1 triệu test/tháng.

Việc có thêm sự chấp thuận của WHO sẽ giúp sản phẩm dễ dàng được xuất khẩu ra các nước trên toàn thế giới. Các tổ chức như WB, quỹ CHAI dự kiến sẽ mua sản phẩm này đưa vào chương trình tài trợ cho các nước trên toàn thế giới.

Được biết, Quỹ Sáng kiến ​​tiếp cận sức khỏe của bà Clinton (CHAI) là một tổ chức y tế toàn cầu cam kết cứu sống và giảm gánh nặng bệnh tật ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Quỹ hoạt động tại 36 quốc gia trên thế giới. Hơn 80 quốc gia được tiếp cận việc giảm giá đối với thuốc, chẩn đoán, vaccine, thiết bị hoặc các sản phẩm và dịch vụ y tế cứu sinh khác theo thỏa thuận của CHAI.

* Bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam được WHO chấp thuận