GS, VS Nguyễn Văn Hiệu: "Trí tuệ Việt Nam phải như Sơn Tinh"

NDO -

NDĐT – “Có thể nói, một hiểm nguy đối với sự tồn vong của đất nước là kẻ thù biến đổi khí hậu. Ý tưởng của tôi là trí tuệ Việt Nam phải như Sơn Tinh, tức là phải “cao tay” hơn, phải làm thế nào để dù xảy ra biến đổi khí hậu nhưng dân tộc vẫn trường tồn, kinh tế vẫn phát triển, đời sống nhân dân kể cả người dân ở vùng ven biển vẫn được bảo đảm”, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.

Trong căn nhà nằm bên ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Huy Tự, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu tiếp chúng tôi sau giờ đi họp về. Thuộc thế hệ các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, dù sắp bước sang tuổi 80 nhưng GS, VS Nguyễn Văn Hiệu vẫn luôn trăn trở, suy tư về những hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng, thật sự thiết thực đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các phóng viên Nhân Dân điện tử có cơ hội lắng nghe những câu chuyện xúc động về cuộc đời và sự nghiệp cũng như những ý tưởng sử dụng khoa học để phát triển đất nước của nhà khoa học đầy tâm huyết ấy.

Thành công bắt nguồn từ đam mê

- Thưa ông, trong suốt 60 năm qua, ông đã không ngừng nghiên cứu, cống hiến cho ngành vật lý của Việt Nam và thế giới. Vậy cơ duyên nào đã đưa ông đến với ngành khoa học này?

- Câu hỏi của bạn gợi lại trong tôi kỷ niệm thời niên thiếu. Tôi sinh ra tại làng Đơ, nay thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Năm 1949, lúc ấy tôi mới 11 tuổi, gia đình tôi tản cư vào tỉnh Thanh Hóa. Khi tới huyện Thiệu Hóa, tôi gặp một gia đình cũng đi chạy giặc, họ đến từ Cự Đà (huyện Thanh Oai, Hà Nội), ngôi làng nổi tiếng với nghề dệt kim. Ông chủ nhà mang theo một máy dệt, nhờ đó mà lần đầu tiên trong đời tôi được tiếp xúc với công nghệ. Gia đình nghèo quá nên tôi xin làm thợ tại xưởng dệt kim, ngày kiếm hai bữa cơm. Quan sát cách ông chủ sử dụng máy dệt kim, tôi thấy cái máy tuyệt vời quá!

Tôi nhớ lại một kỷ niệm rất hay như thế này. Có lần ông chủ sai tôi đi đóng bàn để đặt máy quay và cho tiền để chuyển bàn từ xưởng mộc về xưởng dệt kim, nhưng tôi không thuê được ai làm việc này. Quan sát thấy xưởng mộc nằm bên sông Nông Giang, tôi nghĩ ngay đến chuyện dùng dây thừng buộc bàn rồi nhờ các chú thợ thả xuống sông. Bàn nổi lên, tôi đi dọc theo bờ sông, sắp tới nơi thì buộc dây thừng vào gốc cây và gọi ông chủ cho người khiêng bàn về. Ông chủ thấy tôi sáng dạ nên quyết định truyền nghề cho. Từ một người chỉ chạy việc lặt vặt, tôi được học nghề dệt kim. Tôi cũng liên hệ luôn, trong các lĩnh vực khoa học, cái gì liên quan kỹ thuật nhiều nhất, đó chính là vật lý mà! Tôi yêu vật lý từ thời đó. Phải nói rằng, quãng đời làm thợ, học nghề trong xưởng dệt kim đã tạo cho tôi tình yêu vật lý. Tôi quyết tâm sau này được học, sẽ theo học vật lý.

Năm 1953, tôi học xong phổ thông rồi sau đó đăng ký thi đại học. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi chọn Trường đại học Sư phạm khoa học vì học ngành sư phạm là được cấp học bổng. Tôi kể bạn nghe nhé. Được ở ký túc xá miễn phí, mỗi tháng được cấp 16 đồng, ăn cơm hết 12 đồng, mỗi sáng ăn một gói xôi 5 xu, như vậy là vẫn còn tiền tiêu mà. Khi theo học vật lý, tôi không nghĩ mình sẽ trở thành nhà nghiên cứu vì lúc đó miền Bắc vừa mới giải phóng, bộ đội tiếp quản Thủ đô, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn rất cần giáo viên. Chương trình đại học hồi ấy dài ba năm, nhưng Chính phủ quyết định học liên tục 24 tháng, không nghỉ hè. Tháng 10-1954, tôi nhập học, rồi đúng hai năm sau, tháng 10-1956, tôi tốt nghiệp và nhận quyết định phân công công tác. Tôi được làm trợ giáo Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Thật bất ngờ!

- Trong thời gian công tác tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, người thầy nào đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc?

- Người để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng và cũng là “người đỡ đầu” khi tôi bắt đầu nhận công tác là GS Ngụy Như Kon Tum, hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Giáo sư đã biết tôi từ khi tôi còn là sinh viên. Năm 1956, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội thành lập, giáo sư đề nghị cấp trên phân công tôi làm trợ giáo của trường, tức là giúp việc cho các giáo sư lên lớp. Làm trợ giáo được hai năm thì tôi chuyển làm giảng viên. Mỗi tuần tôi dành khoảng hai ngày để chuẩn bị bài và lên lớp, bốn ngày còn lại để nghiên cứu khoa học, như vậy thời gian nghiên cứu khoa học nhiều gấp đôi thời gian giảng dạy.

Cái may mắn của tôi là khi ra trường, ngoài GS Ngụy Như Kon Tum, tôi còn được học với nhiều thầy khác. Có lần thấy tôi đọc sách ở thư viện, GS Lê Văn Thiêm (lúc ấy là Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Toán Lý) nói rằng: “Anh đọc những sách này mà trình độ toán còn kém thì anh không thể hiểu nổi”. Rồi giáo sư bảo tôi đi học thêm toán, học giỏi toán thì mới làm vật lý tốt được. Thế là tôi vừa đi làm, vừa đi học năm thứ ba của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Cũng vào năm 1956, GS Tạ Quang Bửu (khi đó là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) mở lớp dạy học buổi tối cho các cán bộ giảng dạy của ba trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm và ĐH Tổng hợp vì thầy biết trình độ của chúng tôi còn kém. Chúng tôi đi học rất hào hứng. Người ta bảo không thầy đố mày làm nên, những kỷ niệm gắn liền với các thầy quyết định tất cả tiến bộ sau này của tôi.

Tất cả đều do “thiên thời”

- Nhìn lại chặng đường đã đi qua, sự kiện nào đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông?

- (Cười) Bước ngoặt, à không, phải nói là bước đột biến trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của tôi là vào năm 1958, tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, GS Tạ Quang Bửu giới thiệu với giảng viên các trường đại học về công trình vừa đoạt giải Nobel năm 1957 của hai nhà khoa học Mỹ gốc Trung Quốc là Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo. GS Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học luôn ham hiểu biết đến kỳ lạ, trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn nhưng thầy vẫn theo dõi các hướng nghiên cứu khoa học mới. Hôm đó, tôi gặp giáo sư và bày tỏ mong muốn được thầy cung cấp tài liệu vấn đề thầy vừa thuyết trình. Sau khi đọc hết các tài liệu giáo sư cho, tôi quyết định nghiên cứu theo sự hướng dẫn của thầy.

Đến năm 1960, GS Tạ Quang Bửu không làm Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nữa mà chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước, chuẩn bị cho việc xây dựng các viện nghiên cứu trực thuộc Ủy ban này. Tôi cũng nhận quyết định chuyển công tác và khi đến gặp GS Tạ Quang Bửu, thầy bảo tôi chuẩn bị lên đường đi Liên Xô. Và sự nghiệp của tôi phát triển đột biến từ ấy!

Sang Liên Xô, tôi bắt tay nghiên cứu luôn mà không cần học nữa vì từ năm 1958 đến năm 1960, GS Lê Văn Thiêm và GS Tạ Quang Bửu đã giúp tôi chuẩn bị các kiến thức toán cơ bản cần thiết rồi. Sau đó, mọi việc cứ thế tiến triển thôi. Tôi tới Viện Liên hiệp Nghiên cứu hạt nhân Dubna, được làm cùng những nhà khoa học chuyên nghiên cứu vấn đề vừa đạt giải Nobel. Có thể nói, đây là trung tâm nghiên cứu vật lý hạt nhân lớn nhất thế giới vào thời đó.

Nghĩ lại tôi thấy cuộc đời mình vô cùng may mắn. May mắn của tôi chính là nhờ những người thầy mang đến, nhờ có cách mạng, nhờ có Thủ đô giải phóng đúng lúc tôi cần nghiên cứu khoa học. Tất cả mọi chuyện đều do “thiên thời”.

GS, VS Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21 tháng 7 năm 1938 tại Hà Đông, Hà Nội. Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khoá VI, VII, và VIII; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khoá V; đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khoá IV, V, VI, VII, và VIII; nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam, Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông còn là hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là giáo sư, tiến sĩ khoa học ngành vật lý lý thuyết và vật lý toán học xuất sắc của Việt Nam; là Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba.

- Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Liên Xô khi chưa đầy 26 tuổi. Đây là thành tích mà hiếm người Việt Nam trẻ tuổi nào đạt được vào thời điểm ấy. Ông đánh giá như thế nào về sự giúp đỡ của các giáo sư, nhà khoa học Liên Xô dành cho ông?

- Các nhà khoa học bậc thầy Liên Xô luôn dành cho người học trò Việt Nam sự hướng dẫn tận tình và tình cảm rất đặc biệt. Các nhà khoa học Liên Xô hết lòng hết sức muốn giúp đỡ Việt Nam, đất nước đang có chiến tranh và gặp nhiều khó khăn trong đào tạo nhân lực. Tôi đọc được trong ánh mắt, cách ứng xử của các thầy đối với chúng tôi như vậy. Đây không phải là giúp cá nhân chúng tôi mà giúp những người sau này trở về xây dựng nền khoa học của đất nước. Những năm tháng ở Liên Xô là quãng đời tôi được hưởng đến mức cao nhất tinh thần quốc tế vô sản của các nhà khoa học Liên Xô. Giờ tôi vẫn nghĩ đó là một giấc mơ mà giấc mơ ấy không bao giờ quay trở lại và không có ở đâu cả, chỉ có ở thời gian 8,5 năm tôi làm việc tại Liên Xô.

- Ông có thể kể lại kỷ niệm khi được giao làm Viện trưởng Viện Vật lý, một trong những viện trưởng trẻ nhất Việt Nam từ trước đến nay?

- Đó là năm tôi 31 tuổi, tôi về nước được mấy tháng, Chính phủ quyết định thành lập Viện Vật lý và Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm tôi làm Viện trưởng. Khi Viện mới thành lập, tôi chẳng có gì ngoài hai tờ quyết định. Sau này, khi Viện được Nhà nước cấp tiền, tôi mới xin một chuyến xe lên Phú Thọ mua tranh tre và lá về làm nhà. Cái trụ sở đầu tiên của chúng tôi là nhà tranh tre đấy.

Nói về ân tình các nhà lãnh đạo dành cho Viện Vật lý thì thật cảm động. Trong khi chiến tranh diễn ra ác liệt, các nhà lãnh đạo vẫn nhớ tới khoa học. Năm tháng sau khi Viện đi vào hoạt động, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm chúng tôi. Trong căn nhà tranh, Thủ tướng hỏi hằng ngày chúng tôi đi làm việc ở những đâu, có khó khăn gì không. Một chị đứng lên trình bày: “Thưa bác, nhà chúng cháu ở trung tâm thành phố, hằng ngày chúng cháu bắt xe tới Bưởi rồi đi bộ tới cơ quan (ở Nghĩa Đô). Có hôm xe đến chậm thành ra chúng cháu đi làm muộn”. Thủ tướng nghe vậy chỉ im lặng. Tuần sau, Văn phòng Chính phủ yêu cầu Viện Vật lý gửi danh sách những người không có xe và mỗi người sẽ được nhận một chiếc xe đạp.

Đầu năm 1973, khi chúng tôi từ khu sơ tán trở về Hà Nội, tôi gặp Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Nguyễn Kha. Anh Kha bảo: “Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị chỉ thị tôi xây dựng Viện của anh trong một năm là phải xong”. Đến cuối năm 1973, phần thô của Viện được xây xong. Đến khâu trát tường, chỉ huy công trường báo cáo tôi không có thợ làm công việc này, thanh niên nhập ngũ để giải phóng miền nam hết rồi. Giờ chỉ còn cách mời các cụ thợ nề ở nông thôn lên giúp. Công nhân của công trường có tem phiếu lương tháng chỉ có 2 hào 2 nhưng các cụ lại muốn nhận 4 đồng rưỡi nên chúng tôi không có tiền trả các cụ. Tôi vội lên Văn phòng Chính phủ đề nghị giải quyết vấn đề này và được bố trí gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Mười. Một tuần sau, đồng chí Đỗ Mười đích thân xuống khảo sát rồi ra quyết định giao cho các tỉnh chỉ tiêu huy động người trát tường giúp Viện. Các đồng chí lãnh đạo động viên đây là việc nước nên các cụ vui vẻ nhận lời với mức lương 2 đồng 2, tức là gấp 10 lần lương của công nhân, các cụ bà còn đi theo để nấu cơm cho các cụ ông. Khi miền nam giải phóng, công trình cũng được hoàn thiện. Thế đấy, có một thời mà đến bây giờ vẫn khiến trái tim tôi xúc động bởi sự quan tâm, động viên kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hỗ trợ nhiệt thành của bà con đối với công tác khoa học.

Nếu coi biến đổi khí hậu là Thủy Tinh thì người Việt Nam giờ phải là Sơn Tinh

- Cuối tháng 6 vừa qua, Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) do ông làm Tổng Biên tập đạt chuẩn quốc tế sớm bốn năm so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình phát triển vật lý Việt Nam đến năm 2020. Đây cũng là tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam được Hãng thông tấn Thomson Reuters tiếp nhận vào danh mục các tạp chí ISI (gồm những tạp chí chất lượng cao). Ông có nhận xét gì về kết quả này?

- Hiện nay, Việt Nam có hàng trăm tạp chí khoa học tiếng Việt và hàng chục tạp chí khoa học tiếng Anh. Nhưng để lọt vào danh sách của Thomson Reuters thì phải đạt được tiêu chí là rất xuất sắc và Tạp chí ANSN đã làm được. Tôi nhớ một câu tôi học được từ lúc còn trẻ là “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Giờ bước vào thời kỳ hội nhập, mở cửa, đất nước phải cạnh tranh nhưng mình đông mà yếu thì sẽ bị loại ngay. Khoa học quan trọng là xuất sắc chứ không phải là nhiều.

- Với sự cống hiến không ngừng nghỉ cho ngành vật lý, ông đã được trao tặng Giải thưởng Lê-nin, Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác. Theo ông, để thành công trong nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học cần tập trung vào các yếu tố nào?

- Phải có niềm đam mê! Phải coi nghiên cứu khoa học là sự nghiệp của mình! Tôi xin nói với bạn, không có vinh quang nào mà không có mất mát kèm theo, đôi khi cũng phải chịu hy sinh để đạt được đam mê của mình. Riêng ở lĩnh vực khoa học, đầu tiên là cần đi vào hướng nghiên cứu rất hiện đại và thứ hai là hướng nghiên cứu mà đất nước rất cần, nghĩ xem đất nước cần cái gì thì làm cái đó.

Bạn có biết đóng góp lớn nhất của tôi đối với xã hội là gì không? Đó là công trình tôi tham gia quản lý và đã rất thành công. Nó chẳng liên quan gì đến Giải thưởng Lê-nin của tôi cả thế mà tôi lại cảm thấy vô cùng sung sướng.

GS, VS Nguyễn Văn Hiệu mang Tập bản đồ Đồng Tháp Mười giới thiệu chúng tôi. Ông giới thiệu kỹ lưỡng từng điểm với sự am tường kỳ lạ. Ông hồi tưởng.

Khi miền nam vừa giải phóng, tháng 7-1975, tôi được cử làm Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật B2 trực thuộc Trung ương cục miền nam. Mong muốn của các đồng chí lãnh đạo là biến vùng Đồng Tháp Mười quanh năm bị ngập trở thành vùng lúa. Tôi đã tập hợp các anh em trong giới khoa học. Cuối cùng, việc khai hoang Đồng Tháp Mười thành công và chương trình khai hoang thể hiện rõ trên bản đồ này, ghi cụ thể vùng nào cần làm gì. Tôi luôn làm việc đất nước cần và tôi tập hợp mọi người dốc hết tâm sức làm cùng mình.

- Trong không khí kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, với tư cách là nhà khoa học, theo ông nền khoa học Việt Nam nên đổi mới ra sao để đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay?

- Điều mà hằng ngày tôi vẫn suy nghĩ là khoa học Việt Nam cần tập trung vào hướng nào thì có triển vọng nhất. Tất cả các vấn đề đều được ghi rõ trong Nghị quyết của Đảng rồi nhưng đất nước chưa đủ lực để triển khai cùng một lúc. Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên tập trung vào vấn đề nào trước để có thể huy động tổng lực của cộng đồng khoa học.

Có thể nói, một hiểm nguy đối với sự tồn vong của đất nước là kẻ thù biến đổi khí hậu. Tổ quốc Việt Nam tồn tại vài nghìn năm rồi nhưng có thể chỉ 100 năm nữa thôi biến đổi khí hậu sẽ làm nước biển dâng, nhấn chìm nhiều phần lãnh thổ đất nước. Tôi muốn nhắc lại truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh. Nếu coi biến đổi khí hậu là Thủy Tinh thì người Việt Nam giờ phải là Sơn Tinh, nước dâng đến đâu thì núi cao đến đó.

Vậy khoa học Việt Nam cần làm gì? Đó là tìm ra cách giảm nhẹ hậu quả, tác hại của biến đổi khí hậu cũng như giải pháp để tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện có tác động của biến đổi khí hậu. Ý tưởng của tôi là trí tuệ Việt Nam phải như Sơn Tinh, tức là phải “cao tay” hơn, phải làm thế nào để dù xảy ra biến đổi khí hậu nhưng dân tộc vẫn trường tồn, kinh tế vẫn phát triển, đời sống nhân dân kể cả người dân ở vùng ven biển vẫn được bảo đảm.

Điều mà tôi mong muốn bây giờ là Đảng và Nhà nước sẽ có những biện pháp để tập trung người tài giỏi, thu hút sự tham gia của cộng đồng nghiên cứu quốc tế để xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt. Chúng ta cũng cần tích cực tham gia các diễn đàn để buộc các nước phát thải lớn trên thế giới phải thay đổi kế hoạch phát triển kinh tế của họ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Khi cuộc trò chuyện kết thúc, chúng tôi nhìn đồng hồ, hóa ra buổi phỏng vấn đã kéo dài lâu hơn 40 phút so với dự kiến. GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu đưa chúng tôi thăm phòng làm việc của ông. Trong phòng, ông treo nhiều ảnh kỷ niệm chụp chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bức tranh khổ lớn với Viện sĩ Markov. Trên bàn làm việc là những bản thảo dở dang viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Ông vẫn cặm cụi viết bài cho các tạp chí nghiên cứu, đưa ra những đánh giá, ý tưởng mới cho ngành khoa học vật lý. Ngoài ra, ông còn tranh thủ sắp xếp thời gian dự các hội thảo quốc tế về khoa học vật lý tại các cuộc Gặp gỡ Blois do GS. Trần Thanh Vân tổ chức tại Pháp và Gặp gỡ Việt Nam tại nước ta. Đến đâu ông cũng tranh thủ lắng nghe các bài thuyết trình và say sưa trao đổi ý kiến với các học giả, nhà khoa học để hiểu thêm những tri thức mới mẻ. Với vị giáo sư già, chúng tôi hiểu, tình yêu khoa học trong ông đã trở thành người bạn vong niên.

Năm 1986: GS, VS Nguyễn Văn Hiệu được trao Giải thưởng Lenin nhờ công trình khám phá một định luật mới trong vật lý học: Định luật bất biến kích thước của quá trình sinh hạt.

Năm 1996: GS, VS Nguyễn Văn Hiệu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.

Năm 2009: Ông được trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.