Khoa học - công nghệ ở Lai Châu từng bước vươn lên

ND - Trong khi ở một số tỉnh, các viện, trung tâm đã chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115 của Chính phủ đang "sống khỏe" nhờ đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường thì đối với tỉnh Lai Châu  việc thu hút những người làm khoa học còn nhiều bất cập.

Nghị định 115 được xem là bước đột phá về "hành lang pháp lý" cho hoạt động khoa học, được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tư duy thụ động, hướng các nhà khoa học tới những nghiên cứu phục vụ cuộc sống.

Trước đây, khi chưa chia tách tỉnh, nhiều cán bộ của tỉnh Lai Châu cũng có định hướng phát triển vấn đề này. Nhưng sau năm năm thành lập tỉnh mới, Lai Châu có  bảy huyện, thì năm huyện nằm trong diện nghèo. Cơ sở vật chất của tỉnh xây dựng lại hoàn toàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Từ Thiện cho biết: Trong điều kiện hiện nay, Lai Châu chưa dám đặt vấn đề tự chủ cho các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học.

Lai Châu là một tỉnh có nhiều tiềm năng để đưa các vấn đề đặt ra vào nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN), đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Nhưng cái khó ở Lai Châu là đội ngũ những người làm khoa học ở địa phương còn quá yếu và mỏng. Cả tỉnh chỉ có một tiến sĩ nông học, còn cán bộ thạc sĩ đếm trên đầu ngón tay. Với đội ngũ cán bộ làm khoa học như vậy thì vấn đề tiếp nhận khoa học kỹ thuật cấp Bộ cũng hết sức khó khăn, nói gì đến việc đưa các Trung tâm nghiên cứu ra "ở riêng" để tự thân vận động.

Hiện nay, Lai Châu chưa có thị trường tiếp nhận việc chuyển giao KHCN. Cán bộ làm khoa học của tỉnh phải tìm đến người sản xuất để vận động, tuyên truyền, giúp họ tiếp nhận những tiến bộ khoa học. Tuy nhiên, để biến khoa học thành công cụ sản xuất của người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Người dân chưa quen chủ động tiếp cận những người làm khoa học, đặt hàng, mua sản phẩm đầu tư cho phát triển kinh tế.

Có những dự án, các nhà khoa học thực hiện ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với người dân, hiệu quả của dự án tác động tích cực đến việc thay đổi tập quán canh tác, đến năng suất lao động, đời sống kinh tế của người dân. Nhưng khi dự án kết thúc một thời gian, nhiều vùng quay lại phương thức sản xuất cũ. Ðồng chí Thiện giải thích: "Nguồn vốn thu được từ dự án người dân không quay vòng đầu tư tái sản xuất, mà vẫn ỷ vào sự trợ cấp của Nhà nước. Ðặc biệt, thói quen tra lỗ bỏ hạt đã trở thành tập quán sản xuất của người bản địa. Chính vị trí địa lý khó khăn, phức tạp cũng cản trở không nhỏ đến thị trường cung ứng nguồn giống, vật tư nông nghiệp, đặc biệt là việc tiêu thụ sản phẩm cũng không có lợi thế cạnh tranh. Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái sản xuất sau dự án".

Với những khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi  còn nghèo như Lai Châu, hiện tại tỉnh chỉ đặt ra mục tiêu cho các Trung tâm khoa học hoàn thành đúng chức năng chuyển tải chính sách, tiếp cận và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật của các bộ, ban, ngành đến với người sản xuất sao cho hiệu quả nhất. Trước mắt, Nhà nước vẫn phải là "bà đỡ" về kinh tế cho các Trung tâm khoa học để đội ngũ những người làm khoa học yên tâm hoàn thành mục tiêu của mình.

Từ nay đến năm 2020, chiến lược phát triển của tỉnh là cần phải thay đổi năng lực lãnh đạo, phương pháp nghiên cứu, ứng dụng của cán bộ khoa học. Ðể làm được điều đó, Lai Châu lựa chọn, cử cán bộ của địa phương, nhất là con em đồng bào các dân tộc thiểu số đi học tại các trường, viện nghiên cứu. Ðồng thời, tỉnh cũng đưa ra những chính sách thu hút trí thức về Lai Châu công tác bằng việc đãi ngộ về đất ở, kinh tế, sắp xếp công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo, phù hợp với nguyện vọng. Lai Châu cũng luôn tranh thủ mời các nhà khoa học đến với tỉnh để họ tư vấn, định hướng phát triển khoa học phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Ðồng chí Thiện cho rằng: "Muốn chuyển đổi các viện, trung tâm nhằm đáp ứng sự phát triển của thị trường phải giải quyết hai yếu tố, thứ nhất đó là vấn đề về con người, và yếu tố thứ hai đó là đầu tư tiềm lực theo hướng thị trường. Và chỉ khi nào người lao động (bà con dân tộc thiểu số) từ chỗ thụ động tiến đến chủ động tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mới bắt đầu đặt vấn đề tự chủ cho các Trung tâm nghiên cứu khoa học ở Lai Châu".

QUANG PHONG