Nói đến du lịch Sơn Tây, những địa danh thường được nhiều người ưa thích là thành cổ Sơn Tây, đền Và, làng cổ Đường Lâm… Tuy nhiên, còn một địa danh “không thể không đến” chính là Sùng Nghiêm Tự. Ngôi chùa nằm ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm. Đường Lâm xưa thuộc tổng Cam Giá (tên Nôm là tổng Mía). Do đó, ngôi chùa còn có tên nôm là chùa Mía.
Đến với chùa Mía, khách du lịch được trở về với không gian của làng quê Việt. Ngay trước cổng chùa là chợ Mía. Nơi đây, khách có thể mua nhiều loại quà quê như: Bánh tẻ Phú Nhi, chè lam, kẹo bột, gà Mía… Đứng từ chợ, nhìn lên sẽ thấy sừng sững tòa tam quan. Tam quan Sùng Nghiêm Tự là một kiến trúc hiếm gặp trong kiến trúc chùa Việt. Bởi đây là tòa tam quan hai tầng, tám mái. Mỗi tầng có ba gian.
Bước qua tam quan chùa, các công trình bề thế lần lượt hiện ra. Nổi bật giữa sân chùa là tháp cửu phẩm liên hoa. Tháp cao 13 m, thiết kế hình bát giác, gồm chín tầng. Phía trong có cầu thang dùng để đi lên đỉnh tháp. Mỗi góc hình bát giác ở chín tầng tháp phía trên đều được các nghệ nhân chạm trổ hình các con rồng uốn lượn rất tinh xảo.
Các hạng mục: Chính điện, thượng điện, nhà tổ, hành lang đều được xây dựng với quy mô lớn, có những cây cột một người ôm không xuể. Tòa tiền đường có tới 32 cột, tạo thành một tòa nhà lớn, chạy theo chiều ngang với bảy gian, hai chái. Đây cũng là nơi được bố trí những bức tượng có kích cỡ rất lớn. Những bức tượng lớn nhất là bức Khuyến thiện và bức Trừng ác. Tòa bái đường được xây song song với tiền đường. Giữa hai dãy nhà này có một khoảng trống để ánh sáng tự nhiên lọt xuống và phản chiếu sang các bức tượng ở hai bên. Những ngày có nắng, ánh sáng mặt trời phản chiếu qua đường diềm mái ngói ở hai bên xuống nền gạch, tạo nên một khung cảnh hết sức thú vị.
Kiến trúc ấn tượng nhất ở chùa là hai hành lang dài, mỗi hành lang gồm bảy gian. Mỗi bên hành lang đặt tượng chín vị La hán. “Linh hồn” của chùa Mía chính là hệ thống tượng tròn phong phú. Tất cả có 287 pho tượng lớn, nhỏ. Trong đó có sáu pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng đất luyện được sơn son thếp vàng.
Các du khách có thể bắt gặp những pho tượng gỗ, tượng đồng tinh xảo ở nhiều di tích, nhưng hiếm nơi nào mà tượng đất được tạo hình thành độc đáo như chùa Mía. Điển hình như bộ tám pho tượng Bát Bộ Kim Cương làm bằng sét luyện được sơn son, thếp vàng. Mỗi pho tượng là hình một võ tướng đang trong tư thế chuẩn bị chiến đấu với những dáng vẻ khác nhau để trừ tà, bảo vệ Phật pháp. Từ biểu cảm nét mặt, cho đến giáp trụ, những tà áo bay… đều được tạo hình tinh xảo.
Với những giá trị này, chùa Mía được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1964. Những tư liệu văn bia còn lại cho biết, ngôi chùa được trùng tu lớn vào đầu thế kỷ 17, và trải qua nhiều lần trùng tu khác sau này.
Tại làng cổ ở Đường Lâm, thôn Mông Phụ là nơi còn giữ được nhiều nếp nhà cổ nhất. Từ thôn Mông Phụ chỉ cần đi bộ một quãng ngắn là đến chùa Mía. Ngôi chùa cũng chỉ cách các di tích như: Đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền một quãng không xa. Do đó, sẽ là một thiếu sót lớn nếu đến làng cổ Đường Lâm mà không chiêm bái chùa Mía, nơi lưu giữ những kỳ quan tượng cổ.