Khi người trẻ làm sách cho người trẻ

NDO - Trong bối cảnh nhu cầu đọc của công chúng tăng lên, thị trường sách luôn có sự phát triển, ngày càng nhiều hơn những start-up (khởi nghiệp) về sách. Song tìm được một hướng đi bền vững không phải là dễ.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ sách mới được công bố của nhà văn Thâm Tâm với minh hoạ đẹp của hoạ sĩ Trí Nguyễn (Kris Nguyen) (Ảnh: MINH ĐỨC)
Bộ sách mới được công bố của nhà văn Thâm Tâm với minh hoạ đẹp của hoạ sĩ Trí Nguyễn (Kris Nguyen) (Ảnh: MINH ĐỨC)

Khi kinh tế có phần chững lại sau đại dịch Covid-19, sức mua tiêu dùng không còn được như trước. Nhiều đơn vị sách đã cắt giảm những hạng mục kinh doanh, công ty sách Nhã Nam đóng cửa dịch vụ cafe sách ở ở Đà Nẵng, nhà sách Cá Chép rất được các bạn trẻ ở Hà Nội yêu thích cũng phải ngậm ngùi chia tay.

Việc phát triển thị trường sách luôn vấp phải những vấn đề muôn thuở. Ở mức vĩ mô, sách tuy là một sản phẩm văn hoá đầy giá trị, nhưng không phải là mặt hàng thiết yếu. Việc sản xuất sách cũng tiêu tốn nhiều nguồn lực, trong khi đó, đầu ra của ngành này không đem lại hiệu quả kinh tế cao và nhanh như nhiều ngành sản xuất khác.

Thế nhưng một báo cáo mới đây cho thấy ngành xuất bản tăng trưởng khá mạnh những năm gần đây. Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành xuất bản đạt gần 4 nghìn tỷ đồng (tăng 33,3%); nộp ngân sách hơn 414,8 tỷ đồng; lợi nhuận (sau thuế) đạt hơn 429 tỷ đồng. Trong con số ấy có tới 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng. Đây hẳn là cơ hội để nhiều bạn trẻ đầu tư khởi nghiệp vào một trong những ngành được coi là công nghiệp tri thức giàu tính truyền thống này.

Về mặt vĩ mô, bài toán quản trị là bài toán lớn nhất của ngành sách. Để cho ra đời được một ấn phẩm, không những tác giả và bản thân cuốn sách ấy có nội dung giá trị, đáp ứng được nhu cầu độc giả, mà đội ngũ biên tập, kỹ thuật cũng rất quan trọng để ấn phẩm được ra đời đẹp mắt, tìm đến đúng đối tượng mua hàng. Với việc hàng triệu đầu sách được ra đời mỗi năm, ngày nay công chúng thường nói: “cuốn sách đi tìm độc giả” thay vì độc giả phải đi tìm sách. Như vậy, làm sao để có được một quy trình làm việc chất lượng, ăn ý và tận dụng được sức sáng tạo của lực lượng được đào tạo chính quy của ngành xuất bản vẫn là một thách thức với những người làm sách.

Mới tròn một năm tuổi vào cuối tháng 2 này, Linh Lan Books đã ra mắt hơn 40 tựa sách thuộc các dòng sách văn học, thiếu nhi, phi hư cấu, và để lại những bộ sách thuộc dạng bán rất chạy như “Con nhân mã ở trong vườn”, “Ma quỷ dân gian ký”... Những kết quả ấy tương đối ấn tượng với một đơn vị mới thành lập.

Nhà văn Đức Anh, một cổ đông sáng lập Linh Lan Books cho biết: “Sự cạnh tranh trên thị trường sách thời nay đã trở nên vô cùng mạnh mẽ. Điều này tạo ra những chuyển biến tích cực cho nền xuất bản. Chúng tôi nghĩ rằng xa hơn cả, việc phát huy nội lực văn hoá và sáng tạo của người Việt. Trong những năm gần đây, chủ trương của thành phố Hà Nội là trở thành thành phố sáng tạo, dựa trên sự khai thác giá trị văn hoá bản địa. Linh Lan Books cũng đang đặt trọng tâm phát triển của mình vào phương thức này. Chúng tôi lấy đoá hoa Linh lan và con rồng làm biểu tượng, với ước mơ có thể vươn mình như một số thương hiệu đàn anh”.

Trong những năm gần đây các dòng tiểu thuyết dã sử, kinh dị và fantasy dựa trên bối cảnh thuần Việt đang rất được ưa chuộng. Một phần vì đã hơi “bội thực” các sản phẩm văn hoá từ Âu Mỹ, một phần khác là sự trỗi dậy của văn hoá bản địa tại các nước xung quanh như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… khiến bạn đọc trẻ Việt Nam hướng mạnh về nội tại.

Nắm bắt được tinh thần đó, những start-up như Linh Lan Books đầu tư nhiều hơn cho các bản thảo trong nước. “Ma quỷ dân gian ký” của Duy Văn là một thí dụ. Bộ sách bách khoa thư về “vùng tối kiêng kị” của văn hoá tâm linh Việt Nam - tức tà thần và ma quỷ - nhanh chóng tái bản chỉ sau hơn 14 ngày. Đó có thể nói là lợi thế của những đơn vị sách lấy nội lực từ giới trẻ.

Khi người trẻ làm sách cho người trẻ ảnh 1

Một số ấn phẩm thiếu nhi của Linh Lan Books. (Ảnh: THU TUẤN)

Sách là một món ăn tinh thần và được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau của đời sống sinh hoạt. Để tạo được cảm xúc cho độc giả, bìa sách trở nên hết sức quan trọng. Bìa sách có thể ví như nhan sắc của người phụ nữ trong lần gặp mặt đầu tiên. Không lạ khi các nhà sách chú trọng vào kết cấu sách, tranh minh hoạ và phụ kiện đi kèm.

“Ở lứa tuổi chúng ta vẫn gọi là gen Y, gen Z thì bản thân việc mua sách đã là một thú thưởng ngoạn. Ngoài các bìa sách và minh hoạ, chúng tôi phát triển thêm những quà tặng phụ kiện. Chúng tôi hiểu rằng thế hệ ngày nay rất khó chiều, họ không dễ tin ngay vào một vài câu chuyện truyền thông, mà trước hết, họ sẽ tìm hiểu cảm xúc thực tế bên trong của họ để đưa ra quyết định rinh cuốn sách về nhà” - biên tập viên Bảo Ngọc (Linh Lan Books) cho biết.

Nhưng chạy theo thị trường một cách nhắm mắt, đó cũng là một cái bẫy của ngành xuất bản. Khi xu hướng trở nên hết thời, những cuốn sách không đủ sức sống lâu dài sẽ không thể trụ lại. Linh Lan Books lần lượt cho ra đời những tác phẩm như bộ sách của nhà văn Thâm Tâm, “Con Nhân mã ở trong vườn” và tới đây sẽ giới thiệu cùng độc giả một số tác phẩm lớn nhưng ít được biết tới của văn học trước 1945.

“Khi mua lại bản quyền và tổ chức dịch thuật mới hoàn toàn một số tác phẩm cũ, chúng tôi biết sẽ phải đầu tư và chuẩn bị tinh thần về tài chính. Có những cuốn sách có thể bán chạy ngay trong một thời điểm. Cũng có những ấn phẩm cần độ ngấm về mặt thời gian, chẳng hạn như những bộ sách thiếu nhi. Sự nhẫn nại trong ngành nghề này là một yêu cầu bắt buộc” - nhà văn Đức Anh cho biết.

Rõ ràng, start-up với sách là một thử thách không nhỏ cho những người trẻ. Song, với sự đón nhận của độc giả, nhu cầu cao hơn của thị trường và sự ủng hộ của những cơ quan ban ngành trong lĩnh vực văn hoá, làng sách sẽ luôn chào đón những gương mặt mới, dám táo bạo thể hiện mình. Câu chuyện của Linh Lan Books là một câu chuyện về những người trẻ tuổi làm sách cho người trẻ, trong đó hàm chứa sự tôn trọng văn hóa thuần Việt hôm nay.