Khi lòng dân đồng thuận

Khi hay tin thành phố Đà Nẵng triển khai dự án tôn tạo Nghĩa trang liệt sĩ thành phố, dù chưa nhận bất cứ khoản tiền hỗ trợ nào nhưng hàng chục hộ dân thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương (Hòa Vang) đã đồng lòng hiến đất. Nghĩa cử cao đẹp này thể hiện lòng tri ân sâu sắc của người dân địa phương trong mạch nguồn truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hạng mục đang được triển khai tại Dự án Đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng và đường vào nghĩa trủng Phước Ninh, xã Hòa Khương.
Nhiều hạng mục đang được triển khai tại Dự án Đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng và đường vào nghĩa trủng Phước Ninh, xã Hòa Khương.

Nhiều hộ dân tình nguyện hiến đất

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp cho biết, qua triển khai vận động, toàn bộ tám hộ dân ở hai bên đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố thuộc thôn Phú Sơn Nam (Hòa Khương) đã thống nhất hiến 575,8m2 đất để đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường này bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đường đô thị. Trong đó, một số hộ dân hiến đất với diện tích lớn như hộ gia đình ông Hồ Văn Giải và bà Phạm Thị Mai hiến 206,2m2; hộ ông Hồ Văn Trí hiến 70,4m2; hộ ông Trần Văn Tuất hiến 56,9m2... Đối với khu vực bãi đậu xe số 2, có hộ ông Nguyễn Hữu Quỳ, hiến hơn 3.000 m2 đất trồng cây lâu năm.

“Ngay tại cuộc họp đầu tiên với người dân để thông báo chủ trương thực hiện dự án, chính quyền địa phương đã nhận được sự đồng thuận, tự nguyện hiến đất của người dân. Việc các hộ dân ở thôn Phú Sơn Nam đồng lòng hiến đất để làm đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố góp phần lan tỏa nét đẹp nhân văn sâu sắc của của người Việt đối với những người đã dành trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc”, ông Nguyễn Kế Hiệp, khẳng định.

Thôn Phú Sơn Nam những ngày này, hàng chục công nhân đang triển khai các hạng mục của dự án Đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố và đường vào nghĩa trủng Phước Ninh (Hòa Khương). Đường vào nghĩa trang liệt sĩ bắt đầu được mở rộng, cổng chào mới được dựng lên khang trang... Nhiều hộ dân không giấu được niềm vui, tự hào vì đã được góp một phần vật chất để cùng với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án.

Bà Phạm Thị Mai xúc động khi nhắc về việc gia đình bà tự nguyện hiến hơn 200m2 đất, không nhận tiền đền bù, giải tỏa. “Sau khi làm việc với chính quyền địa phương, tôi quyết định xung phong hiến đất. Tôi về nhà bàn với chồng, có do dự nhưng chúng tôi vẫn quyết định hiến mảnh đất này. Ba chồng tôi là liệt sĩ, gia đình tôi và người dân ở đây hiểu rõ được công ơn của những người không tiếc xương máu vì đất nước, còn gì quan trọng hơn điều đó. Mình góp một chút nhỏ, để đường vào nghĩa trang liệt sĩ khang trang, sạch đẹp”, bà Mai nói.

Với gia đình bà Mai, mảnh đất này là toàn bộ tài sản hai vợ chồng tích góp nhiều năm, mua để sau này cho con trai làm nhà. Nhưng như cách bà Mai lý giải, quê hương gắn bó với bà cả cuộc đời, giờ trao tặng quê hương một phần, cũng là cách mà mỗi người nên làm, để tri ân chính mảnh đất đã bao bọc, gắn bó cả gia đình nhiều thế hệ.

Ngoài 8 hộ dân hiến đất ở, tự tháo dỡ toàn bộ các hạng mục, rào chắn, để giao lại cho chính quyền địa phương, có hộ sẵn sàng đốn hạ hàng nghìn diện tích cây keo lá tràm để giao đất cho dự án. Hộ ông Nguyễn Hữu Quỳ, hiến hơn 3.000m2 đất trồng cây lâu năm, làm bãi đỗ xe số 2 tại đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng.

“Cây trồng mới được hai năm tuổi nhưng tôi quyết định đốn hạ để giao đất cho chính quyền mở rộng đất vào nghĩa trang. Mặc dù gia đình chưa nhận tiền đền bù, giải tỏa, nhưng làm tròn trách nhiệm với địa phương, thì gia đình sẵn sàng giao đất để dự án được thi công đúng tiến độ”, ông Quỳ nói và cho biết, niềm hạnh phúc của mình là được nhìn thấy và cảm nhận được quê hương cách mạng Hòa Vang ngày càng giàu mạnh, phát triển.

Ông Trần Văn Giáo, Trưởng thôn Phú Sơn Nam chia sẻ, nếu quy ra tiền thì diện tích đất các hộ đã hiến có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng người dân sẵn sàng hiến, không tính toán. “Đây là những nghĩa cử cao đẹp của người dân thôn Phú Sơn Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Chính quyền xã, huyện cũng đã tuyên dương những nghĩa cử cao đẹp của người dân trong thôn. Việc làm ý nghĩa này cần được lan tỏa trong đời sống hôm nay”, ông Giáo cho hay.

Công trình mang nhiều ý nghĩa

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Hòa Khương, từ năm 2023-2024 trên địa bàn xã sẽ có hai tuyến đường mở rộng theo chuẩn đường đô thị rộng 7,5m. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua vận động, có 250 hộ bị ảnh hưởng đã đồng ý hiến đất mở đường theo phương thức Nhà nước đền bù 100% công trình và 50% giá trị đất được thu hồi, trong đó có dự án Đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố và đường vào nghĩa trủng Phước Ninh, xã Hòa Khương.

Dự án Đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố và đường vào nghĩa trủng Phước Ninh, xã Hòa Khương được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tháng 1/2023, với tổng mức đầu tư hơn 37 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Dự án do Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án, thời gian triển khai từ 2023-2025.

Mục tiêu Dự án nhằm nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông kết nối, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các khu chức năng bảo đảm phục vụ nhu cầu thăm viếng, hành lễ, tri ân; đồng thời cải tạo các công trình kiến trúc, công trình điểm nhấn, sân hành lễ tạo không gian trang trọng, tôn nghiêm. Quy mô dự án là cải tạo cảnh quan, đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố; cải tạo đường chính vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố; xây dựng hoa viên cảnh quan, cổng chào vào khu nghĩa trang liệt sĩ, nhà chuông, nhà bia...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, công trình Nghĩa trang liệt sĩ thành phố là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ. Việc đầu tư dự án đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố và đường vào nghĩa trủng Phước Ninh, xã Hòa Khương là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt về giáo dục lịch sử, thể hiện lòng biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của nhân dân đối với các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc.