Tại một cửa hàng xăng dầu ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, nhân viên cửa hàng chỉ bán cho mỗi xe ô-tô nhiều nhất là 200.000 đồng. Chúng tôi còn chứng kiến một xe ô-tô mới đổ đến 155.000 đồng thì nhân viên thông báo "bồn hết nhiên liệu, không còn đủ 200.000 đồng”, rồi rút cò bơm lắp vào trụ và không giải thích gì thêm.
Trước đó, nhân viên cửa hàng xăng dầu này cũng cho biết, chủ cửa hàng “quy định” xe máy chỉ được mua 30.000 đồng/xe/lần. Những xe gắn máy đang chờ đến lượt đổ xăng sau chiếc ô-tô trên cũng bị nhân viên từ chối bán hàng với lý do “hết hàng”… đột ngột. Một người đàn ông đi xe máy chở theo một can nhựa loại 5 lít đến mua xăng về để chạy ghe, bơm nước tưới hoa màu cũng không mua được hàng. Một người khác đến mua 20 lít dầu D.O để bơm nước lên đồng cũng không được cửa hàng đáp ứng.
Theo lý giải của nhân viên cửa hàng là do thiếu nguồn cung, giá xăng dầu lại biến động liên tục cho nên cửa hàng kinh doanh bị thua lỗ, hết vốn nhập hàng. Đồng thời, giá bán xăng dầu tại địa bàn tỉnh An Giang cao hơn mức công bố của Liên bộ Tài chính-Công thương (mỗi đợt điều chỉnh) 200 đồng/lít được giải thích là do An Giang thuộc khu vực 2, có quãng đường xa, dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn, từ đó giá bán cũng cao hơn.
Không chỉ tại tỉnh An Giang, tình trạng “khan hiếm” xăng dầu còn diễn ra trong các ngày Tết Quý Mão 2023 tại nhiều nơi ở Tây Nam Bộ. Nguyên nhân được lý giải là do thiếu nhân viên bán hàng trong những ngày nghỉ Tết. Thậm chí, từ 19 giờ 30 phút đến 20 giờ hằng ngày, dọc theo các tuyến đường phố nội ô đến ngoại ô thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An “mọc” lên các điểm bán xăng lẻ trong chai nhựa nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân khi các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngưng hoạt động vào ban đêm. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy cơ cháy nổ và khó kiểm chứng chất lượng xăng, bảo đảm an toàn cho phương tiện hoạt động ổn định…
Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thành lập Tổ công tác giám sát tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... và kết hợp kiểm tra công vụ, tình hình trực Tết của cục quản lý thị trường các địa phương. Qua công tác kiểm tra, một số vi phạm đã được xử lý, kịp thời khắc phục được tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa.
Đồng thời, Tổng cục đã chỉ đạo cục quản lý thị trường các địa phương tiến hành trực 24 giờ trong ngày nhằm giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Việc kiểm tra, giám sát sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu liên tục, ổn định; không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu hay tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.
Đây là những việc làm cần thiết và cần duy trì thường xuyên với việc cung ứng linh hoạt mặt hàng thiết yếu và hết sức nhạy cảm trong đời sống. Có như vậy mới bảo đảm cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân trong những ngày đầu năm mới và tránh được tình trạng “gian thương” “đục nước béo cò”, gây bất ổn sinh hoạt, đời sống và mất ổn định an ninh năng lượng cục bộ tại địa bàn một số tỉnh, thành phố.