Thông tin trên được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nêu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 diễn ra vào chiều 7-1.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết: Năm 2021, Tổng cục đã tiến hành kiểm tra, khảo sát 361 cơ sở kinh doanh vàng trang sức, thực phẩm, xăng dầu... Trong đó, đáng chú ý, số kiểm tra tại cơ sở giảm 22% so với năm 2020, số cơ sở khảo sát trực tuyến là 217 cơ sở. Tổng số mẫu khảo sát, kiểm tra là 2.165 mẫu, kết quả có 1.180 mẫu không đủ thông tin ghi nhãn hàng hóa, dấu CR. Tổng số mẫu thử nghiệm là 192 mẫu, kết quả có 41 mẫu không đạt. Trên cơ sở đó, đã thực hiện xử lý theo thẩm quyền, tạm dừng lưu thông hàng hóa không đạt về chất lượng đối với 4.700m dây điện, hơn 17 nghìn lít dầu nhờn động cơ, hơn 13 nghìn lít xăng E5 RON92, với tổng số tiền phải nộp ngân sách nhà nước là gần 150 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn phòng dịch và đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, Tổng cục đã thực hiện trên Hệ thống một cửa quốc gia đối với hầu hết các thủ tục tiếp nhận đăng ký, ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng, dầu, LPG, dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu. Chỉ một vài trường hợp nhận hồ sơ giấy do Hệ thống gặp sự cố.
Năm 2021, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng đã được Tổng cục chú trọng nâng cao, tăng cường sự chủ động để hỗ trợ tốt hơn cho các bộ, ngành. Trong đó, đáng chú ý đã phối hợp Bộ Y tế tổ chức thẩm định, trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 61 Tiêu chuẩn Việt Nam về trang thiết bị y tế, trong đó có nhiều tiêu chuẩn Việt Nam quan trọng về khẩu trang, găng tay y tế, áo choàng y tế, mũ chùm đầu y tế... phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tổng cục phối hợp chặt chẽ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ và duy trì 6 thủ tục hành chính kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Riêng đối với thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ với hơn 88.000 lượt hồ sơ được giải quyết trong năm 2021 đã góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đề nghị, trong năm 2022, Tổng cục cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo định hướng mới, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.
Đối với chương trình, đề án quốc gia về năng suất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy năng suất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Việt Nam, bảo đảm có tính cạnh tranh dựa trên nền tảng áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.