Đây là dự án tôn tạo và phát huy giá trị thuộc Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn), nơi được chọn là điểm tập kết, trung chuyển lớn nhất cho chiến trường Điện Biên Phủ thời kỳ chống thực dân Pháp.
Ngày 17/1/2019, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 147 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi. Khu tưởng niệm tâm linh Ngã ba Cò Nòi có tổng diện tích lập quy hoạch rộng 10,51 ha, trong đó toàn bộ khu vực dự án được quy hoạch thành các khu chức năng chính gồm: Khu vực chủ đề tưởng niệm; Khu công viên chứng tích và đất giao thông.
Dự kiến nhu cầu đầu tư Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi cần hơn 154 tỷ đồng cho các hạng mục và được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 năm 2020 gồm Khu Tưởng niệm tâm linh (Nhà tưởng niệm, Nhà bia, hạ tầng kỹ thuật). Giai đoạn 2 từ năm 2021-2025, gồm 8 hạng mục (Hạ tầng giao thông nội bộ; hạ tầng kỹ thuật toàn khu di tích; cải tạo Khu tượng đài; cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày; sân vườn tổng thể, cảnh quan, cây xanh, mặt nước; Khu tưởng niệm tâm linh (tháp, cổng tứ trụ); cổng chào và thiết bị). Giai đoạn 3 từ năm 2026-2030, gồm đường tránh QL 6 và QL 37...
Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 16 ngày 29/4/2004 của Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi nhân dịp Kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La, thông tin: Để tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và lực lượng thanh niên xung phong hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 21/4/2000 UBND tỉnh Sơn La quyết định khởi công xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi. Đây là một công trình lịch sử - văn hóa, trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Ngày 7/5/2002, Đài tưởng niệm được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đài tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong được xây dựng bên cạnh Ngã ba Cò Nòi lịch sử trên diện tích 20.000 m2. Cụm tượng đài được xây dựng với nhóm tượng 3 nam thanh niên xung phong ở tư thế khác nhau được tạo từ chất liệu đá xanh, tượng cao 12 m, đặt trên bệ khối đá nặng 280 tấn.
Cùng với nhóm tượng đài còn có hai bức phù điêu thể hiện hình ảnh toàn dân ra trận chiến đấu chống thực dân Pháp. Mỗi bức phù điêu có diện tích 42 m2, nặng 52 tấn, được phủ bằng kim loại. Bức phù điêu bên phải thể hiện nội dung "Tất cả cho tiền tuyến", Bức phù điêu bên trái thể hiện nội dung "Tất cả để chiến thắng". Các bức phù điêu tái hiện lại hình ảnh quân và dân chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, sức mạnh của lực lượng thanh niên xung phong trong việc san lấp hố bom, thông đường, kéo pháo…
Hơn 60 năm đã trôi qua, Ngã ba Cò Nòi đã trở thành địa chỉ đỏ trong những trang sử vàng của dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử nói chung, di tích Ngã ba Cò Nòi nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ; phát huy truyền thống yêu nước, giáo dục và hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đức hy sinh, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Do vậy, việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, đầu tư Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đúng với tầm vóc và giá trị lịch sử là rất cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đồng thời là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm tinh, gắn với tham quan du lịch của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương thêm ấm no, giàu đẹp.
Nhân dịp này, tỉnh Sơn La và Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong đã tặng 60 suất quà cho các cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng thời, phát động ủng hộ và xã hội hóa kinh phí xây dựng Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi giai đoạn 2.