Việc xây dựng Bia kỷ niệm Nhà in Giải Phóng, nhằm giữ gìn, tôn vinh và phát huy truyền thống hào hùng của ngành in tỉnh Cần Thơ (cũ) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Qua đó, góp phần giáo dục cho thế hệ cán bộ công nhân lao động ngành in ngày nay về tư tưởng, đạo đức, tinh thần hăng say lao động, học tập, đóng góp thiết thực trong công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong thời gian tới.
Theo ông Trần Bình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần In tổng hợp Cần Thơ, cách nay hơn 64 năm, Tổ in ấn giấy sáp thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cần Thơ được mang tên "Nhà in Nguyễn Văn Giỏi". Nhiệm vụ của Nhà in lúc bấy giờ là in tờ báo "Tranh Đấu", tài liệu học tập, tài liệu binh vận, các loại truyền đơn cổ vũ phong trào hành động cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, nhằm tiến tới cuộc Đồng Khởi thắng lợi vào ngày 14/9/1960.
Hậu Giang phát động cuộc thi tìm hiểu 20 năm thành tựu và khát vọng phát triển
Vào giữa năm 1961, để phát huy Cương lĩnh hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định ra mắt tờ báo "Giải Phóng" thay cho tờ báo "Tranh Đấu", đồng thời, thành lập "Nhà in Giải Phóng", in chữ thủ công, để in tờ báo "Giải Phóng".
Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, được sự đùm bọc, chở che của nhân dân, Nhà in Giải Phóng luôn được bảo đảm an toàn, dù phải di dời trên 20 địa điểm. Trong đó, có một lần bị địch đánh gây thiệt hại khá nặng nề vào đầu tháng 5/1971.
Lãnh đạo ngành in các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm tại Bia kỷ niệm. |
Tuy vậy, ngay sau khi giặc rút, nhà in đã hoạt động trở lại giấu mình trên một bờ đìa hoang, cỏ mọc um tùm, lau sậy phủ kín giữa cánh đồng lung bàu rộng lớn, nằm trong vườn nhà bà Bái, thuộc ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, để tiếp tục in ấn tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị cho Đảng bộ, Chính quyền và Mặt trận của tỉnh xuyên suốt từ ngày đó cho mãi đến ngày 30/4/1975.
Cũng trên bờ đìa hoang năm xưa, chính là nơi đặt Bia kỷ niệm Nhà in Giải Phóng, trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cần Thơ (1960) trong thời kỳ kháng chiến. Sự kiện đặt bia kỷ niệm hôm nay, vừa tôn vinh truyền thống, vừa là động lực, để Công ty Cổ phần In Tổng hợp Cần Thơ nói riêng, ngành in khu vực nói chung, tiếp tục phấn đấu và phát triển, góp phần nâng cao vị thế ngành in khu vực trong thời gian tới.
Với những giá trị lịch sử to lớn mà thế hệ cha anh để lại, cùng truyền thống anh hùng của nhân dân trên mảnh đất này trở thành một “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ mai sau.