Khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh

Sau khi lũ rút, các địa phương bị ngập lụt đã chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương phối hợp cùng công an, quân đội, đoàn thể và cơ quan y tế trên địa bàn kịp thời cung cấp đủ hóa chất, phương tiện, trang thiết bị... để xử lý nước và vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, góp phần đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Yên Bái tham gia dọn vệ sinh tại thành phố Yên Bái.
Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Yên Bái tham gia dọn vệ sinh tại thành phố Yên Bái.

Nước rút đến đâu vệ sinh, ngăn ngừa dịch bệnh đến đó

Lũ lụt đã làm ngập trên diện rộng, để lại trên mặt đất từ thành thị đến nông thôn với lớp bùn non, rác ngổn ngang, xác động vật chết... trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau khi nước rút, tỉnh đã huy động các lực lượng bộ đội, công an, y tế, người dân, các đoàn thể thực hiện phương châm nước rút đến đâu tiến hành vệ sinh môi trường đến đấy, để ngăn ngừa dịch bệnh.

Sáng 13/9, người dân đã khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường trên tuyến đường Thanh Niên (Thái Nguyên), nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua. Mặc dù các lực lượng công an, quân đội đã tích cực cùng với người dân san gạt bùn, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tuy nhiên vì khối lượng bùn đất quá lớn nên công việc vẫn còn rất nhiều.

Tại khu vực phường Quang Vinh, sát sông Cầu, nơi trũng thấp và ngập sâu nhất thành phố Thái Nguyên, Trung tâm y tế thành phố điều động đội phun hóa chất khử khuẩn gồm 10 cán bộ y tế cùng với cán bộ trạm y tế phường tập trung phun hóa chất trên diện rộng, trong đó đặc biệt chú trọng ở những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao; đồng thời hướng dẫn người dân thu gom, xử lý xác động vật để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh; vận động người dân ăn chín, uống sôi để phòng các bệnh về đường tiêu hóa, như tả lỵ, thương hàn...

Các địa phương dọc sông Cầu nơi bị lũ ngập sâu, kéo dài lâu ngày như thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên và Phú Bình... đang nỗ lực triển khai phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo phương châm “bốn tại chỗ”, lũ rút đến đâu xử lý vệ sinh môi trường đến đó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, do diện rộng nên vật tư, hóa chất đang thiếu và đề nghị tỉnh, Bộ Y tế hỗ trợ, cấp thêm.

Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên Hà Đức Trịnh cho biết: Từ ngày 11/9, chúng tôi thành lập 6 đội, mỗi đội 10 người phun hóa chất khử khuẩn môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt tại gần 200 xóm, tổ dân phố để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh sau lũ; tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh ăn, uống để tránh các bệnh về đường ruột.

Ngay sau khi nước rút, hàng trăm bộ đội cùng với thanh niên tình nguyện, người dân phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên dùng các phương tiện cào, dọn bùn rác thải ngập ngụa trên phố, thu gom, dùng máy xúc lên ô-tô chở đi. Theo lãnh đạo phường Túc Duyên, dọn xong phố chính, bộ đội cùng thanh niên tình nguyện sẽ đi thu dọn các ngõ, khu dân cư sâu hơn.

Để đẩy nhanh công tác vệ sinh môi trường, tỉnh Thái Nguyên duy trì 14 nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ; Tỉnh đoàn tổ chức và cử 310 đội hình với gần 9.500 đoàn viên, thanh niên cứu hộ, viện trợ hậu cần tham gia dọn dẹp phố phường, vệ sinh môi trường.

Dưới thời tiết oi bức, mùi xác động vật, cây, rác thải bốc mùi nồng nặc, chị Trịnh Thị Nhị, Đội trưởng Đội vệ sinh số 2, Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Yên Bái đã cùng hơn 10 chị em tham gia dọn đống rác cao gần 1m trên đường phố. Nhiều vật dụng do lũ trôi về trộn trong bùn đất bắt đầu khô quánh, rất vất vả cho việc thu gom, vệ sinh.

Dừng xẻng, tay quệt mồ hôi, chị Nhị cho hay: Lũ rút, nắng lên hàng núi rác chất đống khắp nơi trên địa bàn thành phố. Từ sáng đến giờ chúng tôi làm chưa nghỉ tay, để kịp thời dọn, gom rác giúp đường thông, hè thoáng, phục vụ người dân đi lại được thuận lợi, không còn mùi hôi của chất bẩn do lũ để lại.

Chị Lê Thị Hạnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Yên Bái cho biết, đơn vị đảm nhiệm thu dọn vệ sinh thành phố với 117 tuyến đường nội thị. Ngay sau khi nước rút, giao thông bộ không còn chia cắt (trước bị ngập toàn thành phố), đơn vị đã huy động gần 200 lao động, chia hai ca làm liên tục, theo kiểu cuốn chiếu, làm đến đâu sạch rác đến đó. Ngoài bốn xe chuyên dụng, đơn vị đã thuê thêm 10 xe vận tải bên ngoài, kịp thời làm sạch môi trường, ổn định cuộc sống cho khu đô thị.

Bác sĩ Cao Ngọc Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên (Yên Bái) vừa tham gia kiểm tra cơ sở về chia sẻ, ngoài việc hỗ trợ nơi ăn nghỉ tại chỗ cho 150 người dân tránh trú an toàn trong bão số 3, ngay sau lũ rút đơn vị triển khai ba tổ chống dịch cơ động với 17 thành viên, trong hai ngày đã khử khuẩn được 285 giếng nước sạch.

Cùng với đó cứu chữa kịp thời năm người dân bị thương do đất sạt lở, hiện tại đơn vị tiếp tục tham gia khử khuẩn tại các cơ sở trường mầm non, trường học bán trú... bảo đảm cho công tác chuẩn bị đón học sinh đến lớp an toàn.

Qua trao đổi, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hồng Vân thông tin, đến nay có 95 đội với tổng số 542 thành viên tham gia. Ngoài ra, còn huy động thêm 417 cán bộ y tế cơ sở thực hiện công tác vệ sinh môi trường, nhà ở và thông tuyến đường bị ngập lụt, sạt lở.

Sở đã dùng 378 kg Cloramin B, 99.000 viên Aquatasb, 18 máy phun đeo vai, 45 túi đựng nước, 32 máy phun, trong đó có một máy phun công suất lớn cho hoạt động khử khuẩn môi trường tại 13 cơ sở y tế, sáu khu vực công cộng, 2.127 hộ gia đình, phun khử khuẩn toàn bộ dọc các tuyến đường của thành phố Yên Bái.

Tại Lào Cai, các đơn vị y tế, đặc biệt ở tuyến huyện, tuyến xã đã chủ động dự trù đầy đủ trang thiết bị, hóa chất để sẵn sàng khử khuẩn phòng dịch. Các khu dân cư, trường học, chợ bị ngập nước sẽ là những địa bàn ưu tiên hàng đầu. Tại huyện Bảo Thắng nơi bị ngập lụt đầu tiên do hoàn lưu bão số 3, Trung tâm Y tế đã chỉ đạo Trạm Y tế, phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn cách xử lý nguồn nước, phòng chống các dịch bệnh bằng nhiều hình thức... Tính đến nay, huyện đã thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh: 1.038/1.210 hộ gia đình bị ngập lụt; xử lý và phun khử khuẩn cho 898/1.210 hộ gia đình bị ngập lụt... Đối với những hộ chưa được xử lý, huyện sẽ tiếp tục phối hợp cùng các lực lượng, phấn đấu xong trong ngày 14/9, quyết tâm không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

Bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sạch cho sinh hoạt

Do nước lũ dâng cao, gây ngập 12 giếng (khai thác nguồn nước ở khu vực phường Quang Vinh và Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên) với tổng công suất 15 nghìn m3/ngày phải ngừng hoạt động, dù đã kết nối với hệ thống chung, nhưng cấp nước sạch cho người dân không đủ, nhất là ở xa, cuối nguồn.

Ngay sau khi lũ rút, Công ty cổ phần Nước sạch Thái Nguyên bắt tay ngay vào việc khắc phục, lắp đặt lại máy, thau rửa bể, giếng nên giếng cuối cùng đưa vào hoạt động ổn định từ chiều 12/9 để cấp đủ nước sạch cho người dân sinh hoạt, vệ sinh nhà cửa, môi trường.

Trong những ngày lũ lụt, công ty mở khóa nước sạch miễn phí phục vụ người dân các tòa chung cư Tiến Bộ, tuyên truyền người dân thiếu nước đến trụ sở công ty để được cấp miễn phí. Với phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đấy, Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Thái Nguyên huy động tối đa công nhân, phương tiện làm việc không kể ngày đêm, ăn nghỉ ngay tại vỉa hè, cật lực thu dọn, vệ sinh, chỉnh trang nên đến nay vỉa hè, các tuyến phố trung tâm thành phố Thái Nguyên sạch đẹp trở lại.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Cấp nước Lào Cai, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhà máy cấp nước sạch trên địa bàn một số huyện và thành phố Lào Cai phải tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố.

Tuy nhiên đến chiều 13/9, một số nhà máy nước Bảo Yên, Si Ma Cai đã sản xuất, cấp nước trở lại. Tuyến ống qua suối Ngòi Đum cấp nước cho Nhà máy nước Cốc San cung cấp nước sạch chủ yếu cho phường Kim Tân và phía nam thành phố Lào Cai đã khắc phục xong, cơ bản khôi phục việc cấp nước cho các địa phương, phục vụ sinh hoạt của người dân.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước tỉnh Lào Cai Lê Văn Mật, cho biết: Sau nhiều ngày chịu ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt nên sau khi nước sạch sinh hoạt được cấp trở lại, nhu cầu sử dụng nước của người dân rất lớn, những hộ đầu tuyến, điểm có lợi đang sử dụng nước trên 300% so với ngày thường. Do đó, một số điểm cuối tuyến hoặc có vị trí trên cao, vùng bất lợi, nguồn nước được cấp chưa bảo đảm công suất.

Để bảo đảm cho mọi người dân trên địa bàn, đặc biệt là những khách hàng ở xa tuyến chính, cuối tuyến, vùng bất lợi có đủ nước sạch sinh hoạt sử dụng trong giai đoạn này, Công ty cổ phần Cấp nước tỉnh Lào Cai kêu gọi khách hàng (nhất là những hộ ở đầu tuyến, những điểm có lợi) sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích để chia sẻ nguồn nước sạch cho những khách hàng đang gặp khó khăn, thiếu nước sạch sinh hoạt.

Với phương châm “bốn tại chỗ”, gồm nhân lực, vật tư, phương tiện, chỉ huy tại chỗ, các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai,... đang huy động tổng lực để “tái thiết” môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân ở các vùng bị ngập lụt. Hy vọng với sự vào cuộc tích cực của các ngành, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân, tin tưởng rằng môi trường nơi cơn lũ đi qua sẽ nhanh chóng trở lại sạch đẹp, thanh bình!.