Khẩn trương ứng phó bão số 1 giật cấp 15, gây mưa to diện rộng

Ngày 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An để chỉ đạo ứng phó với bão số 1.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) giúp ngư dân đưa tàu lên bờ tránh bão. (Ảnh VĂN TÁ)
Cán bộ Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) giúp ngư dân đưa tàu lên bờ tránh bão. (Ảnh VĂN TÁ)

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân khi bão số 1 đổ bộ vào đất liền, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh-Ninh Bình dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người (Quảng Ninh 700, Hải Phòng 8.691, Thái Bình 19.021; Nam Định 1.128; Ninh Bình 347).

Theo thống kê các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 119.803 ha, 3.806 chòi canh, 20.189 lồng/bè.

Các địa phương đã thông tin về bão cho người dân để chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn.

Tại các tỉnh phía bắc hiện có 487 hồ chứa xung yếu, 20 hồ đang thi công. Hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có 289 trọng điểm, vị trí xung yếu; 8 công trình đang thi công dở dang và 4 vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý triệt để, cần quan tâm triển khai phương án bảo vệ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện, tỉnh đã bố trí các lực lượng sẵn sàng ứng trực bão số 1 hơn 1.000 người.

Toàn tỉnh có hơn 6.000 tàu, 231 tàu đánh bắt xa bờ đã vào khu vực neo đậu an toàn. Quảng Ninh có 14.000 lồng nuôi trồng thủy sản hiện đã kiểm soát, chằng chéo bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.

Đối với hoạt động du lịch, 12 giờ trưa 17/7 Quảng Ninh cấm biển và dừng toàn bộ tàu ra khơi. Hiện Quảng Ninh có khoảng hơn 4.000 khách du lịch sẽ được đưa về đất liền trước khi bão đổ bộ.

Còn tại Hải Phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Thọ cho biết, đã kêu gọi tàu thuyền đánh bắt thủy sản, thông tin, liên lạc tới 1.918 phương tiện, với hơn 6.000 người để vào bờ tránh trú bão.

Hiện, toàn bộ 1.731 phương tiện về vị trí neo đậu an toàn. Tại đảo Bạch Long Vĩ có 27 phương tiện đang trong âu, 8 tàu hoạt động cách đảo 1-5 hải lý và nằm trong tầm kiểm soát.

Đối với đảo Cát Bà có 45 tàu du lịch đang hoạt động trong vịnh kín, 156 lồng bè nuôi trồng thủy sản đang kiểm soát. Hải Phòng hiện đang có 9.600 lượt khách đang lưu trú, thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động du khách về đất liền trong ngày hôm nay và sáng mai, nếu khách muốn ở lại thành phố sẽ bố trí ăn, ở an toàn. Hải Phòng thực hiện cấm biển từ tối 17/7.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Dù Ban Chỉ đạo và các địa phương đã có kinh nghiệm trong phòng chống bão nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là". Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo, các địa phương thực hiện tốt Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão, các địa phương cần chủ động, phối hợp tốt và chuẩn bị chu đáo nhất là trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền, không để thiệt hại về người, giảm đến mức tối đa thiệt hại về tài sản.

Cục Thủy lợi đã có Công điện số 885/CĐ-TL-ATĐ về việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt, úng do ảnh hưởng của bão số 1 ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Theo đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ sản xuất, dân sinh; khoanh vùng cụ thể diện tích có nguy cơ ngập lụt, úng để có phương án phù hợp tiêu úng, bảo vệ cho các khu vực lúa mới gieo cấy; khi xảy ra mưa lớn có nguy cơ gây ngập lụt, úng phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước, giảm thiệt hại; rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi để có phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công trình; triển khai bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt quan tâm an toàn các hồ chứa nước đang thi công, hồ chứa xung yếu; vận hành các hồ chứa nước theo đúng quy trình được phê duyệt; các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp; cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố...

Do ảnh hưởng của bão số 1 (Talim), trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra mưa, dông trên diện rộng. Mưa, dông làm sập hoàn toàn 4 căn nhà, tốc mái 15 căn tại huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thành phố Vị Thanh và thị xã Long Mỹ; ước thiệt hại 262 triệu đồng. Nhiều diện tích lúa thu đông vừa xuống giống bị chết giống và chết mạ non, trong đó có diện tích bị thiệt hại từ 30-40%.

Tại tỉnh Kiên Giang, trong 2 ngày 16, 17/7, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn, kèm theo dông, lốc làm sập 8 căn nhà, tốc mái 22 nhà dân ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, Châu Thành, An Minh, Kiên Hải và thành phố Rạch Giá, ước giá trị thiệt hại về vật chất ban đầu khoảng 840 triệu đồng.

* Chiều 17/7, Bộ Y tế có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ về việc triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 1.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương, các đơn vị thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 646/CĐ-TTg (ngày 16/7/2023) và các văn bản liên quan về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ. Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu suốt 24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; rà soát kế hoạch phòng chống lụt bão, phương án bảo vệ cơ sở y tế tại các vùng nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất. Các cơ sở y tế chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Cùng ngày, Bộ Y tế có văn bản đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện biện pháp chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước, bảo đảm vệ sinh cá nhân... Khi có bão, lũ xảy ra, các đoàn công tác của ngành y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn; bố trí nhân lực, bảo đảm dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận…

Các Sở Y tế hướng dẫn đơn vị cơ sở và người dân thực hiện biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn.

Điều chỉnh nhiều chuyến bay tránh bão

Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) điều chỉnh lịch bay một số chuyến bay quốc tế đi/đến khu vực Đông Bắc Á trong ngày 17/7. Cụ thể, các chuyến bay số hiệu VN592, VN593 giữa Hà Nội-Hồng Công (Trung Quốc); chuyến bay VN594, VN595 chặng TP Hồ Chí Minh-Hồng Công ngày 17/7 sẽ lùi giờ khởi hành 7 tiếng so với kế hoạch. Chuyến bay VN430 từ Đà Nẵng đi sân bay Incheon (Seoul, Hàn Quốc) sẽ hạ cánh muộn 45 phút so với kế hoạch; chuyến bay VN318 từ Đà Nẵng đi sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản) sẽ hạ cánh muộn 25 phút so với kế hoạch. Tương tự, hãng hàng không Vietjet cũng vừa thông báo sẽ thay đổi lịch khai thác của một số chuyến bay trong vùng ảnh hưởng bão số 1. Dự kiến, bão số 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các sân bay khu vực phía bắc đang hoạt động là Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bi (Hải Phòng) và Thọ Xuân (Thanh Hóa). Do đó, những chuyến bay đi/đến các sân bay này trong ngày 18/7 có thể bị ảnh hưởng của bão.