Sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông
Chiều 15-10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, tại tỉnh Quảng Bình, nước lũ chảy xiết, tràn qua đường sắt và làm xói lở nền đường ở các khu gian La Khê - Tân Ấp và Đồng Chuối - Kim Lũ, Tổng công ty đã phải phong tỏa đường sắt từ chiều tối ngày 14-10. Nước sông Gianh dâng cao, nước ngầm trong sườn núi chảy qua nền đường cũng làm sạt lở mái ta-luy, phải phong tỏa khu gian Ngọc Lâm - Lạc Sơn từ 16 giờ ngày 14-10. Tại vị trí Km 468+095 - Km 468+250, mưa trôi hoàn toàn nền đường, ray treo 0,8 m; riêng vị trí Km 468+200, ray treo khoảng 1,6 m, chiều 15-10, nước chảy xiết phải phong tỏa khu gian. Vị trí Km 389+000 - Km 389+800, nước ngập trôi nền đá, nền đường bị xói trôi (chỗ sâu nhất lên tới 1 m). Nhiều đoạn đường sắt tại Quảng Bình bị xói sâu, gây sạt mái ta-luy, ngập nước, chưa xác định được cụ thể thiệt hại, hư hỏng. Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban phòng, chống lụt bão Tổng công ty ĐSVN Đới Sỹ Hưng cho biết, đến sáng 15-10, đã có 13 khu gian bị ảnh hưởng trên chiều dài 200 km, với khoảng 30 ga. Trong đó, có 12 đoàn tàu hàng, 10 đoàn tàu khách với 1.184 hành khách phải dừng đỗ dọc đường chờ thông tuyến. Ngành đã huy động nhân lực của năm công ty quản lý, cùng máy móc, vật tư thiết bị để kịp thời vận chuyển vào sửa chữa theo hai hướng từ ga Hương Phố vào và ga Lạc Sơn ra. Tất cả hành khách và các đoàn tàu được đưa về các ga, hành khách được phục vụ ăn uống miễn phí.
Khắc phục sạt lở, chuyển tải hành khách
Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Bình đã điều động hơn 350 cán bộ, công nhân viên, huy động 500 rọ thép, 300 thanh tà vẹt gỗ, 250 m3 đá dăm, 500 m3 đá hộc,... khẩn trương khắc phục tại các vị trí gặp sự cố sạt lở. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật như thả rồng đá, rọ đá để giữ chân, thả đá hộc tự do để làm mặt bằng và tạo chân mái ta-luy; xếp rọ đá giật cấp từ dưới lên và sử dụng dây thép D5 giằng kết các rọ thép lại với nhau, tạo ổn định chân kè; dùng tà vẹt gỗ gia cường mặt bằng để ổn định nền đường... Hiện tại, đơn vị đã tiến hành sửa chữa, khắc phục một số điểm bị hư hỏng, sạt lở, phấn đấu đưa tuyến đường sắt bắc - nam lưu thông an toàn trở lại trong thời gian sớm nhất. Hiện có bốn đoàn tàu chở khách đang dừng tại ba ga (Mỹ Đức, Đồng Hới, Lệ Sơn) của tỉnh Quảng Bình với 366 hành khách lưu lại trên tàu. Riêng tàu SE19 tại ga Lệ Sơn với 132 hành khách bị cô lập (trong đó có 96 hành khách là người nước ngoài). Trưởng tàu SE19 Võ Văn Xô cho biết, sức khỏe và tinh thần hành khách vẫn ổn định. Nhân viên trên tàu thường xuyên kiểm tra từng toa, động viên và đề nghị hành khách ăn uống đầy đủ để bảo đảm sức khỏe, cùng đoàn tàu vượt qua khó khăn thời tiết. Ngành đường sắt phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình sử dụng ba ca-nô chuyên dụng tăng-bo, vận chuyển hành khách vượt qua sông Gianh ra khỏi vùng bị cô lập, đưa ô-tô vào Đà Nẵng theo đúng lộ trình. Đến 16 giờ 30 phút ngày 15-10, tất cả hành khách trên tàu SE 19 “mắc kẹt” đã được đưa ra khỏi vùng cô lập để tiếp tục hành trình... Tại Quảng Bình, còn có ba đoàn tàu khác gồm TN2, SE21 và VH32 với gần 400 hành khách phải dừng đỗ dọc đường. Các điểm dừng đỗ của ba đoàn tàu này không nằm trong vùng bị cô lập mà gần khu dân cư.
Ngay sau khi xảy ra tình trạng sạt lở, ách tắc trên tuyến, lãnh đạo ĐSVN đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ, bảo đảm thông tàu trong thời gian sớm nhất. Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng cho biết: Ngành đã chỉ đạo các đơn vị trong khu vực tập trung vật tư, máy móc thiết bị, vận chuyển vật tư, thiết bị và điều động hàng trăm công nhân tham gia khắc phục, theo dõi trực chốt tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, chỉ đạo các công ty cổ phần vận tải đường sắt chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ ăn uống cho hành khách trên tàu; lập phương án chuyển tải hành khách khi điều kiện cho phép; đề nghị chính quyền địa phương phối hợp trong việc bảo vệ, bảo đảm trật tự an toàn cho hành khách tại các vị trí phải dừng tàu. Đối với các tàu phải dừng đỗ do lũ chia cắt tại tỉnh Quảng Bình, ngành đường sắt hỗ trợ suất ăn miễn phí cho hành khách. Tính đến 15 giờ ngày 15-10, ĐSVN đã chuyển tải hơn 1.000 hành khách ra khỏi khu vực lũ lụt bảo đảm an toàn. Có mặt tại ga Đồng Hới (Quảng Bình) lúc 21 giờ, chúng tôi chứng kiến không khí chuyển tải hành khách được tiến hành rất khẩn trương.
Đối với các đoàn tàu do tắc đường nên phải dừng lại, khách được bố trí sang xe ô-tô, đưa qua khu vực ngập lụt để lên tàu tiếp tục hành trình.
Đại diện lãnh đạo ga Đồng Hới cho biết, tối 15-10, có ít nhất ba đoàn tàu phải chuyển tải khách là SE2, SE6 và SE8 với hàng nghìn khách. Đơn vị đã phục vụ miễn phí cơm, nước uống trong thời gian chờ đợi.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Văn Dung quê ở tỉnh Hải Dương cho biết, mình đi tàu từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, khi đến Vinh lúc 15 giờ chiều 14-10 tắc đường nên dừng tại đó. Ông Dung nói: “Trên tàu phục vụ đầy đủ, chu đáo cơm nước cho khách nên không lo đói. Lúc 16 giờ chiều 15-10, ga Vinh tổ chức sáu chuyến xe tăng-bo khách từ Vinh vào ga Đồng Hới để đi vào nam.
Dù vất vả và mất thêm thời gian chờ đợi nhưng chúng tôi cũng hết sức chia sẻ với khó khăn do ảnh hưởng thiên tai của ngành đường sắt”.
Còn ông Đoàn Văn Hệ quê ở thành phố Hà Nội cũng cho biết là tàu đã nhiều lần thông báo về tình hình mưa lũ ảnh hưởng đến hành trình để mong hành khách chia sẻ. Việc phục vụ cho hành khách chu đáo từ cơm nước và nếu ai xuống trước địa điểm ghi trong vé để tìm phương tiện khác thì cũng được Công ty Đường sắt thanh toán lại phần tiền đối với quãng đường chưa đi.
Trước đó, ngay trong đêm 14-10, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đã dẫn đầu đoàn công tác vào Hà Tĩnh, Quảng Bình để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại ga Hương Phố (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), đoàn công tác đã họp nhanh với ngành đường sắt địa phương để nắm bắt tình hình thiệt hại. Sáng 15-10, Bộ GTVT đã có công điện yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương khắc phục, ứng phó mưa lũ tại miền trung. Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn các tàu bị trôi dạt ra biển và tìm kiếm cứu nạn thuyền viên. Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực bảo đảm an toàn giao thông đường bộ thông suốt; phân luồng, phân tuyến bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi các tuyến đường bị ngập...
Thủ tướng yêu cầu ứng phó, khắc phục ách tắc giao thông
Ngày 15-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1826/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan, có biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố ách tắc giao thông do mưa lũ. Theo đó, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Công ty ĐSVN chủ trì, phối hợp chính quyền các địa phương bảo đảm an toàn tuyệt đối và các điều kiện sinh hoạt cho hành khách đi tàu; thường xuyên hướng dẫn, thông tin để hành khách yên tâm; đồng thời, có phương án giải tỏa hành khách và hàng hóa trong trường hợp ách tắc kéo dài.
Tổng cục ĐBVN phối hợp Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và các địa phương, không để ùn tắc tại các vị trí bị ngập trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh; phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý, bảo đảm sớm lưu thông cho các phương tiện đường bộ; ngành hàng hải và đường thủy nội địa quản lý chặt chẽ các phương tiện thủy; huy động lực lượng, phương tiện để ứng cứu các phương tiện bị trôi dạt...