Khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn

Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ cũng như chủ động ứng phó với tình trạng ngập úng, bảo đảm an toàn cho người dân đang được thành phố Hà Nội triển khai khẩn trương, cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân di chuyển đến nơi an toàn khi nước tại phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dâng cao. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Người dân di chuyển đến nơi an toàn khi nước tại phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dâng cao. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Bảo đảm an toàn cho người dân

Tối muộn 10/9, nước sông Hồng đã lên cao, mấp mé tràn vào ngõ 133 phố Tân Ấp, phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội). Nghe tiếng loa của quận đề nghị di dời đến nơi an toàn, chị Lê Thị Hà nhét vài bộ quần áo cùng ít đồ dùng thiết yếu vào ba-lô rồi gọi cậu con trai hơn 10 tuổi ra đầu ngõ. Tại đây, lực lượng chức năng đã chờ sẵn để chở mẹ con chị cùng nhiều người khác đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình tại 67 phố Phó Đức Chính để tạm trú. “Trời cứ mưa suốt thế này, không biết bao giờ nước sông mới rút. Nhưng còn người là còn của, may hơn nữa được mọi người quan tâm hỗ trợ, không chỉ chỗ ngủ mà còn cả từng bữa ăn. Chúng tôi xúc động và cảm ơn lắm”, chị Hà chia sẻ.

Đến 22 giờ ngày 10/9, các lực lượng chức năng quận Ba Đình đã hoàn thành việc sơ tán 1.059 nhân khẩu của 276 hộ dân thuộc sáu địa bàn dân cư khỏi khu vực bờ vở sông Hồng đến nơi an toàn để tránh lũ. Sau khi đưa người dân đến khu vực tránh trú an toàn, các lực lượng của quận đã chăm lo chu đáo, động viên người dân yên tâm. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy, để bảo đảm những người dân (chủ yếu là người cao tuổi) phải di dời tránh lũ yên tâm khi đến nơi ở tạm thời, các cơ sở lưu trú trên địa bàn phường Trúc Bạch đã ủng hộ chăn gối; các hội đoàn thể, tổ dân phố tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm. Lực lượng cán bộ phường, công an, y tế, dân quân sẽ ứng trực 24/24 giờ để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt cho người dân.

Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng của quận những ngày này là phòng, chống lũ lụt. Quận thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại phường Phúc Xá, chỉ đạo UBND phường Phúc Xá và các lực lượng liên quan triển khai các phương án ứng phó bão lũ, bảo đảm an toàn cho nhân dân ngay tại chỗ. Đồng thời, Quận đã chuẩn bị đầy đủ các phương án hộ đê hữu Hồng qua địa bàn, có phương án sơ tán người dân, các cơ quan, đơn vị theo từng cấp độ ngập lụt gắn với bảo đảm nơi ở, sinh hoạt, làm việc; chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện cho công tác hàn khẩu hoàn thành xong trước tối 11/9. Từ ngày 11/9, quận sẽ triển khai chốt chặn, tổ chức ba vòng phong tỏa và hạn chế người dân đi lại trong khu vực ngập lụt, đồng thời giảm phương tiện di chuyển ra, vào cửa khẩu.

Khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn ảnh 1

Trạm y tế lưu động phục vụ người dân xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. (Ảnh ĐẮC SƠN)

Tại quận Bắc Từ Liêm, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến 1 giờ 30 phút ngày 11/9, quận đã di dời được 836 hộ dân (đạt 100%) ngoài đê sông Hồng (thuộc bốn phường: Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát) đến nơi an toàn. Tại những nơi tiếp nhận người dân sơ tán, các phường, đơn vị cùng các lực lượng đã chăm lo chu đáo nơi ở, đời sống nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân. Các cô giáo Trường THCS Thượng Cát chuẩn bị những suất cơm bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho các hộ dân di dời.

Tại các phường Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng, công tác phòng, chống mưa, lũ được cán bộ và nhân dân quận Tây Hồ gấp rút triển khai nhằm giảm thiểu hậu quả do bão lũ gây ra. Lực lượng chức năng làm việc xuyên đêm, bất chấp mưa gió và ngập lụt với tinh thần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Yên Phụ Nguyễn Hồng Diệp cho biết, sáng 11/9, lực lượng chức năng đã hoàn thành việc di chuyển các hộ dân ngoài bãi có thể bị ảnh hưởng khi nước lũ đạt cấp độ 2 với 214 hộ dân, 429 nhân khẩu nằm trong khu vực ngõ 76 An Dương đến nơi an toàn. Hiện tại, phường Yên Phụ đang tổ chức rào chắn, cảnh báo nguy hiểm tại khu vực ngập úng, nước sâu để người dân biết và tránh.

Tại phường Phú Thượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nguyễn Văn Tưởng cho biết, trong sáng 11/9, lực lượng chức năng cũng đã vận động được 70 hộ với 175 nhân khẩu về nơi an toàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương di chuyển toàn bộ người dân tại các khu vực xung yếu về nơi an toàn trước 18 giờ chiều 11/9; đồng thời các phường chủ động chuẩn bị các vị trí, địa điểm, cơ sở như nhà văn hóa, nhà sinh hoạt khu dân cư, đình, chùa, trường học trong đê làm nơi tiếp nhận các trường hợp, bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân.

Do ảnh hưởng mưa lớn và nước lũ từ thượng nguồn đổ về, mực nước các sông chảy qua khu vực ngoại thành Hà Nội dâng cao, gây ngập nhiều khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp khu vực ngoài đê. Đến nay, nhiều tuyến đê đã bị tràn nước, gây ngập úng, một số đoạn đê xuất hiện các sự cố đê điều… Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị chu đáo các phương án phòng, chống tại chỗ, công tác ứng phó, khắc phục được các địa phương chủ động triển khai.

Tại huyện Chương Mỹ, ngày 10/9, ngay khi phát hiện nguy cơ tràn, vỡ một số đoạn đê Vàng thuộc xã Đông Sơn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 đã phối hợp lực lượng chức năng và người dân địa phương sử dụng các rọ đá cỡ lớn, đá hộc, bao cát để gia cố các vị trí sạt lở. Mặc dù trời mưa to, nước sông Tích chảy xiết, nhưng với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, chỉ sau thời gian ngắn sự cố nhanh chóng được khắc phục, bảo đảm an toàn. Cùng với đó, lực lượng chức năng bố trí trực 24/24 giờ để theo dõi sự cố, kịp thời phát hiện tình huống phát sinh. Tại huyện Thường Tín, với tuyến đê sông Hồng dài 13 km chảy qua địa bàn sáu xã, ngay khi lũ sông Hồng báo động cấp II, sáng 11/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh chủ trì họp khẩn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, chỉ đạo các ngành, xã khu vực dọc đê sông Hồng thực hiện kế hoạch di chuyển 3.000 hộ dân khu vực chịu ảnh hưởng lũ sông đến khu vực an toàn ngay trong ngày.

Tại huyện Thanh Trì, trong ngày 9 và 10/9, khi nước sông Nhuệ dâng cao, đe dọa an toàn đê điều, lực lượng chức năng đã tiến hành gia cố, chống tràn, tránh sạt trượt mái đê; di dời một số người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn. Chiều 10/9, khi phát hiện sự cố sạt lở một số đoạn đê sông Nhuệ thuộc xã Đại Áng, nguy cơ vỡ đê rất cao, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì và xã Đại Áng đã huy động hơn 1.000 người khẩn cấp khắc phục. Lực lượng chức năng đã sử dụng rọ đá, đá hộc, bao cát, đến trưa 11/9 thì hoàn thành gia cố vị trí sạt lở, đắp đất, cát chống tràn gần 1.000m bờ đê.

Trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại quận Ba Đình và huyện Thanh Trì, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tổ chức ứng trực nghiêm 24/24 giờ, sẵn sàng ở mức cao nhất để ứng phó với tình trạng mưa, lũ ở mức độ cao hơn hiện tại. Các lực lượng chức năng kiên quyết sơ tán các hộ sinh sống tại khu vực nguy hiểm ngoài đê tới nơi an toàn theo đúng phương châm: sơ tán toàn bộ gia đình, không để sót bất cứ người nào ở lại, tránh tình trạng bị cô lập trong mưa lũ. Lưu ý mức độ nguy hiểm và những thiệt hại to lớn khi mực nước sông Hồng chạm mức báo động 3, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ nhân dân vượt qua những khó khăn do mưa lũ gây ra, trong đó cần chú trọng quan tâm người yếu thế, người già, trẻ em và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn ảnh 2

Bộ đội Quân khu 2 tìm kiếm nạn nhân tại Làng Nủ.

Tiếp tục tìm kiếm cứu nạn tại Làng Nủ

Sáng 11/9, đường vào Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) nơi đã gánh chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ, sạt lở bởi hoàn lưu cơn bão số 3 ngày hôm trước, vẫn còn nhiều đoạn bị sạt lở, ách tắc và trời vẫn đổ mưa...

Không chỉ đường sá khó khăn, điều bất tiện nhất cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn và ngay cả anh em báo chí khi tác nghiệp tại khu vực Làng Nủ là mất sóng điện thoại, hoặc nếu có cũng rất phập phù. Ngày 10/9, sau khi tiếp cận hiện trường vụ lũ quét Làng Nủ, đồng chí Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên đã chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương ngay lập tức điều động nhân sự để hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Trong điều kiện giao thông, thông tin liên lạc bị chia cắt, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên đã viết thư tay báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai, giao cho cán bộ đi bộ băng rừng đến nơi có sóng điện thoại để chuyển tiếp.

Rất may, ngay sáng 11/9 trên đường vào thôn Làng Nủ, chúng tôi nhận được thông báo từ Sở Thông tin và truyền thông Lào Cai: “Từ 2 giờ 17 phút sáng nay, Viettel đã phát trạm LCI156-11 phủ sóng khu vực sạt lở tại Làng Nủ, Phúc Khánh. Hiện sóng Viettel đảm bảo phục vụ điều hành tìm kiếm cứu nạn!”. Như vậy nỗi lo liên lạc và kết nối thông tin đã được giải tỏa.

Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên những ngày qua cũng “ngập lụt” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa là vừa bị ngập nước như hàng nghìn hộ dân tại đây khi lũ về, vừa bị ngập trong công việc bất thường khi liên tục phải tiếp nhận, cấp cứu nạn nhân vụ lũ quét Làng Nủ nhanh nhất. Hiện tại số lượng nạn nhân tìm kiếm được, dù còn sống hay đã chết cứ tăng lên: Đầu giờ sáng ngày 11/9, số người chết là 22 người thì cuối giờ trưa đã lên đến 30 người...

Tính đến 17 giờ 30 phút ngày 11/9 về thiệt hại tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên như sau: Tổng số hộ: 37 hộ, tổng số khẩu: 158 khẩu. Trong đó 46 người đã an toàn, 34 người chết, 17 người đang điều trị và 61 người đang mất tích.

Trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sạt lở đất, tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp tại thôn Làng Nủ ngày 11/9, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong đã nhấn mạnh: Trước mắt, cần sớm hoàn thiện sơ đồ tìm kiếm phục vụ hiệu quả công tác tìm kiếm. Về phương án tìm kiếm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, thống nhất công tác chỉ đạo đảm bảo an toàn tuyệt đối, đảm bảo hậu cần cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn; kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người dân nhất là việc giúp đỡ lo hậu sự cho nạn nhân thiệt mạng. Xác định công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải tính toán các phương án chính xác, an toàn, hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh lực lượng tìm kiếm thì ít, trong khi hiện trường thì rộng và hết sức phức tạp nhiều người không khỏi băn khoăn về lực lượng tìm kiếm sẽ thế nào. Nhưng rất may, gần đến trưa 11/9, quân tiếp viện từ bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện đã lần lượt xuất hiện. Riêng Quân khu 2 đã điều động 300 chiến sĩ vào khu vực Phúc Khánh, trong đó 100 chiến sĩ tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sĩ sẽ vào tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở. Ngoài ra lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện và tỉnh khoảng 300 người cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường cung cấp thông tin tìm kiếm.

Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 chỉ đạo các lực lượng khảo sát kỹ hiện trường, tham khảo ý kiến nhân dân về địa hình, thủy văn khu vực, có phương án tuyệt đối an toàn cho các lực lượng; các mũi tìm kiếm phải đảm bảo kết nối thông tin, khi có tình huống ở thượng nguồn thông báo ngay để phòng tránh nguy hiểm bất thường. Đồng thời, yêu cầu chỉ huy các mũi nhanh chóng triển khai lực lượng tìm kiếm dọc hai bên bờ suối từ khu vực Làng Nủ đến khu vực tiếp giáp sông Chảy. Đồng thời đề nghị tỉnh Lào Cai bảo đảm thông suốt giao thông phục vụ cơ động lực lượng.

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lào Cai, đối với người dân bị thiệt hại do bão lũ, Sở đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố kịp thời hỗ trợ các đối tượng theo quy định (trước mắt có người chết 25 triệu đồng/người; bị thương 5 triệu đồng/người). Ngoài ra Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ các trẻ em bị thương đang phải điều trị tại các bệnh viện với mức 2 triệu đồng/trẻ; ngoài ra cũng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh huy động các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ thêm (có người chết 7,2 triệu đồng/người; bị thương 3,6 triệu đồng/người). Phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh, các tổ chức cá nhân hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, phao cứu sinh, nước uống, quần áo...■