ND - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày 25-10, mực nước các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam đang lên, đặc biệt các sông ở Thừa Thiên - Huế đang lên nhanh, các sông ở Quảng Ngãi xuống chậm nhưng còn ở mức cao.
Dự báo, lũ các sông tại Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục lên. Các sông tại Thừa Thiên - Huế có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3 và trên báo động 3; các sông ở Quảng Nam lên mức báo động 1; các sông ở Quảng Ngãi dao động ở mức báo động 2, báo động 3. Các sông thuộc Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng xuất hiện lũ ở mức báo động 1, báo động 2. Cần đề phòng lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.
Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện số 62CÐ/PCLB T.Ư, điện Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh; Ban chỉ huy PCLB và TKCN các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, yêu cầu:
Kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối và vùng có nguy cơ lũ quét, đặc biệt là các khu vực có khả năng xảy ra sạt lở, phải tổ chức sơ tán để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Tổ chức triển khai phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.
Kiểm tra, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, các đoạn đường bị ngập, giao chính quyền cấp cơ sở chịu trách nhiệm về việc hoạt động giao thông thủy ở khu vực có lũ. Nghiêm cấm người đi vớt củi khi có lũ.
Kiểm tra các hồ chứa, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ đập.
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Lào Cai: Ðợt mưa vừa qua đã làm nhiều đoạn đường bị sạt lở, giao thông đi lại khó khăn. Km11 cầu Thượng Hà (Bảo Yên) quốc lộ 70 đã bị tắcgần 2 giờ đồng hồ. Mưa to kèm dông, sét đánh chết nhiều trâu, nhiều diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch trên nương, ven suối bị sạt lở...
Nghệ An: Mưa đã gây ngập úng hơn 3 nghìn ha lúa mùa, hoa màu vụ đông và nhiều nhà ở của người dân thuộc các huyện vùng đồng bằng như Hưng Nguyên, Diễn Châu, Nam Ðàn, Nghi Lộc, Yên Thành... Các tuyến giao thông nội thành TP Vinh và trên quốc lộ 1A, địa bàn huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) giáp với Nghệ An ngập sâu 20 - 30 cm; Tuyến quốc lộ 48 và các tuyến giao thông nội vùng của huyện miền núi Quỳ Châu bị sạt lở hơn 43.000 m3 đất đá,... gây khó khăn cho nhiều phương tiện đi lại. Sáng 25-10 mưa kèm theo gió đã làm sập và tốc mái một trạm y tế, ba nhà dân. Ðến chiều cùng ngày, Nghệ An vẫn tiếp tục mưa to.
Thừa Thiên - Huế: Một đợt mưa lớn kéo dài đến trưa 25-10 đã làm cho nhiều tuyến đường ở TP Huế ngập lụt, một số tuyến ngập sâu 0,8 - 1 m. Hàng chục chuyến xe Bắc - Nam khi qua địa phận cống Bạc, xã Thuỷ Dương, phía nam TP Huế đã bị ách tắc do quốc lộ 1A ngập sâu gần 1 m. Nhiều tuyến đường nông thôn bị chia cắt, người dân phải sử dụng ghe thuyền để đi lại. Các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 49, ngập sâu 0,5 - 0,7 m. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh cũng đều vượt đỉnh tràn (hồ Truồi vượt tràn 1,4 m; hồ Hòa Mỹ 1,81 m; hồ Bình Ðiền 2 m). Tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Sở Giáo dục và Ðào tạo chủ động cho học sinh nghỉ học để đề phòng nước lũ lên cao.
Quảng Ngãi: Ðã xuất hiện hai cơn lốc tại ba xã Ðức Thắng, Ðức Nhuận, Ðức Chánh (Mộ Ðức) và hai xã Hành Phước, Hành Ðức (Nghĩa Hành), làm một người chết, năm người bị thương, tám nhà bị sập đổ, cuốn trôi hoàn toàn, 104 nhà bị hư hỏng, tốc mái và gần 2.300 nhà bị ngập nước. Tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình có người bị chết, bị thương, các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở do lốc xoáy, lũ lụt, đồng thời khẩn trương khắc phục một số công trình hạ tầng quan trọng, xử lý môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh.
Bình Ðịnh: Mực nước ở các sông An Lão, Lại Giang, Kôn đang lên nhanh. Tại huyện Vĩnh Thạnh, mưa lũ đã cuốn trôi một cầu; hơn 1.300 m đường, 65 m kênh mương, 30 m kè và bờ suối bị sạt lở; ba ha lúa bị ngập úng, trong đó có một ha bị mất trắng.
Bình Dương: Mưa lớn kéo dài đã làm nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh bị ngập nước. Tại thị xã Thủ Dầu Một, khu vực ngã ba Cống, các xã Vĩnh Phú, Bình Nhâm, thị trấn Lái Thiêu... nước ngập hơn 0,5 m gây khó khăn cho phương tiện lưu thông, nhiều đoạn đường nước tràn cả vào nhà dân, qua đập, nhiều khu vực hồ nuôi cá bị vỡ...
Long An: Mưa to gây ngập cục bộ hàng nghìn ha hoa màu, lúa đông xuân ở những vùng trũng thấp ven theo sông Vàm Cỏ Tây. Tại huyện Tân Trụ có gần 400 ha lúa đông xuân, hơn 100 ha dưa hấu bị ngập. Các huyện Cần Ðước, Cần Giuộc, Châu Thành và thị xã Tân An có gần 900 ha cà nâu, đậu bắp, dưa hấu, khổ qua, dưa leo bị ngập úng. Hiện nông dân đang tập trung máy bơm để bơm nước chống ngập úng.
Bến Tre: Mưa to kéo dài đã làm nhiều đường phố ở thị xã Bến Tre bị ngập nước, có nơi nước ngập trên 0,5 m. Nhiều ao cá bị tràn nước, cá thoát ra sông, rạch. Ngày 24 và 25-10, ở nhiều sông, kênh, mương, rạch tại thị xã Bến Tre và các huyện Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm... người dân địa phương dùng lưới bắt được khá nhiều cá. Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, đây là trận mưa to và kéo dài nhất tính từ đầu mùa mưa đến nay.
Lâm Ðồng: UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị T.Ư hỗ trợ kinh phí di dời khẩn cấp 199 hộ dân, gồm 61 hộ ở xã Ðại Lào (thị xã Bảo Lộc), 78 hộ ở thôn 2 xã Ðoàn Kết (huyện Ðạ Huoai) và 60 hộ thuộc thôn R'Teng 1, 2 (huyện Lâm Hà) đang sống trong vùng từng xảy ra lũ quét và sạt lở đất nguy hiểm, đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân. Kinh phí di dời dự kiến khoảng 20 tỷ đồng, trong đó, tỉnh Lâm Ðồng đề nghị T.Ư hỗ trợ 14,9 tỷ đồng, số còn lại do ngân sách địa phương đối ứng.
Bạc Liêu: Hiện toàn tỉnh có hơn 1.500 hộ dân sống trong vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao cần được di dời, tập trung ở cửa biển Gành Hào (huyện Ðông Hải) và các cửa sông trong tỉnh. Tỉnh đã tiến hành lập dự án "Bố trí, sắp xếp lại dân cư vùng nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2010" và giao Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thị xã thống nhất chủ trương bố trí, sắp xếp lại dân cư, kiên quyết không để tính mạng và tài sản của nhân dân bị thiệt hại do sạt lở đất.