Khám phá Thiềng Liềng

Thiềng Liềng là ấp nằm sâu trong xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, thời gian gần đây ấp Thiềng Liềng được nhiều người biết đến như một điểm du lịch cộng đồng có nhiều nét đặc trưng, độc đáo, mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách.
0:00 / 0:00
0:00
Khám phá Thiềng Liềng bằng xe đạp.
Khám phá Thiềng Liềng bằng xe đạp.

Chúng tôi đến ấp Thiềng Liềng vào một buổi sáng tháng ba. Bước chân lên đảo, mọi người đều cảm nhận được không khí yên bình, dễ chịu của vùng đất còn nhiều hoang sơ. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân, hiện nay, ấp Thiềng Liềng có khoảng 211 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm muối, đánh bắt thủy hải sản và nuôi hàu ở cửa sông.

Cả ấp Thiềng Liềng chỉ có một đường độc đạo hình oval dài 4km uốn quanh ruộng muối, sông, rạch và rừng ngập mặn. Ông Nguyễn Ngọc Xuân chia sẻ thêm, Thiềng Liềng chưa chịu nhiều tác động của con người cho nên ấp vẫn giữ cho mình sự mộc mạc, nét tự nhiên không phải miền biển nào cũng có. Ở đây còn có núi Giồng Chùa là ngọn núi đá duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, có cánh đồng muối bạt ngàn, trắng xóa… cùng nét dân dã của người dân đang tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho Thiềng Liềng để thu hút du khách đến tham quan.

Tuy nhiên, người dân trên ấp còn khá xa lạ với việc khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch cộng đồng. Để phát huy tiềm năng của vùng đất hoang sơ này, Sở Du lịch thành phố và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cũng đã khảo sát và triển khai kế hoạch “Phát triển điểm đến ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, Cần Giờ thành sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng, giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng Cần Giờ”. Điểm du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng đã ra mắt vào cuối năm 2022 vừa qua với đặc sản “3 không”: Không khói bụi, không bến xe, không tệ nạn.

Theo đó, ở giai đoạn 1, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 điểm đến với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển như: Ẩm thực và thức uống vùng biển, không gian nghề muối, không gian hoài niệm, homestay, đờn ca tài tử, ngâm chân thư giãn,... Tất cả các sản phẩm du lịch này do chính các hộ dân và cư dân đang sinh sống tại ấp đảo Thiềng Liềng thực hiện.

Các điểm đến này được hình thành dựa trên các yếu tố bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên và đặc điểm của từng hộ gia đình nhằm tăng thu nhập, giải quyết việc làm và nâng cao dân trí của cộng đồng, thông qua đó góp phần bảo vệ biên giới biển đảo của thành phố.

Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Năm Tuyết), nơi có sản phẩm du lịch ngâm chân thư giãn mà nhiều du khách đến đây đều thích trải nghiệm. Gia đình chị Tuyết có nghề làm thuốc đông y cho nên chị đăng ký sản phẩm ngâm chân thư giãn để phục vụ du khách.

Ngoài ra, tại hộ nhà chị Năm Tuyết còn có trưng bày những sản phẩm về muối Thiềng Liềng, thức uống làm từ mật dừa nước trông rất hấp dẫn, bắt mắt. Vì chúng tôi là khách tự do, không báo trước nên chị chỉ có thể cho chúng tôi trải nghiệm tại ba điểm đó là: Không gian nghề muối tại hộ anh Chín Thơ, thưởng thức món chè dưỡng nhan tại hộ chị Sáu Trúng và ngâm chân thư giãn tại điểm nhà chị Tuyết. Sau khi tìm đủ 10 chiếc xe đạp tại nhà các hộ dân, chúng tôi lần lượt trải nghiệm cung đường trên ấp Thiềng Liềng đầy nắng và gió.

Tiếp chúng tôi trên cánh đồng muối trắng xóa, anh Nguyễn Ngọc Thơ (Chín Thơ) giới thiệu với du khách về nghề làm muối của địa phương. Đây là nghề chính của người dân Thiềng Liềng từ xa xưa. Nghề làm muối bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau.

Với khoảng 2ha, mỗi năm người dân có thể thu được gần 40 nghìn giạ muối (1 giạ khoảng 38kg). “Nay Thiềng Liềng có hoạt động du lịch cộng đồng, người dân có thêm thu nhập, tôi hy vọng cuộc sống người dân sẽ khá hơn”, anh Chín Thơ tin tưởng. Giữa không gian muối mênh mông, ngoài tìm hiểu về nghề làm muối, du khách sẽ có cơ hội check-in nhiều điểm thú vị mà không phải điểm du lịch nào cũng có được.

Chị Lê Cẩm Thúy, Quận 11 rất thích thú khi được lần đầu khám phá Thiềng Liềng bằng xe đạp. “Được ngắm nhìn những cánh đồng muối, thưởng thức những món ăn dân dã trong không gian yên bình, trong lành là điều tôi thích nhất khi đến đây”, chị Lê Cẩm Thúy bày tỏ. Chính những điều mới lạ, cùng với tình cảm mộc mạc, chân thành của người dân đã giúp Thiềng Liềng trở thành một điểm đến ấn tượng.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, đây là mô hình du lịch phát triển trên cơ sở khai thác năng lực của cộng đồng dân cư kết hợp với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của địa phương, do cộng đồng dân cư địa phương xây dựng và quản lý. Cần Giờ là huyện duy nhất giáp biển và là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đây là lợi thế để khai thác phát triển du lịch, nhưng cần chú trọng gắn với bảo tồn, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, khi phát triển du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng cũng sẽ giúp cho người dân có thêm sinh kế bên cạnh các sinh kế chính của cư dân. Vì vậy, sản phẩm du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch bền vững mà còn góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa và xây dựng sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng.

Đến nay, Thiềng Liềng đã đón được hơn 400 khách. Thời gian tới, các hộ dân sẽ trang bị thêm xe đạp mới để du khách có điều kiện trải nghiệm tốt hơn, cũng như quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng đến với du khách chuyên nghiệp hơn.

Với những lợi thế sẵn có, cùng sự đoàn kết, nhiệt tình của người dân, du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng sẽ có bước phát triển vững chắc trong tương lai, góp phần mang lại sự hấp dẫn, đa dạng cho sản phẩm du lịch Cần Giờ nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.