Tại Hà Nội, địa bàn cư trú của người Mường chủ yếu là vùng bán sơn địa và vùng núi. Cùng với khác biệt về tập quán văn hóa, sự khác biệt về môi trường sinh sống dẫn đến những thói quen ăn uống, sử dụng nguyên liệu, gia vị của đồng bào Mường có nhiều khác biệt, nhất là trong sử dụng các loại thực phẩm, gia vị có nguồn gốc thiên nhiên. Điều đó tạo nên sức hấp dẫn của ẩm thực người Mường. Đồng bào Mường có hàng chục món ăn lạ, mới chỉ nghe đã thấy hấp dẫn như: Thịt trâu nấu lá lồm, chả cuốn lá bưởi, cá ướp chua... Những nét độc đáo của ẩm thực Mường hội tụ trong mâm cỗ mẹt - mâm cỗ được sử dụng trong những dịp lễ Tết hay tiếp khách quý. Cỗ mẹt có nhiều loại rau rừng nên còn được gọi là cỗ lá.
Món chả cuốn lá bưởi của người Mường thật sự khác biệt so với các món chả nướng khác. Nguyên liệu được sử dụng là thịt lợn. Đồng bào Mường chọn thịt ba chỉ của những con lợn chạy rông trong vườn nhà, thịt săn chắc và ít mỡ. Có hai cách để chế biến thịt, đó là băm nhuyễn hoặc thái lát mỏng rồi ướp gia vị. Gia vị, rau thơm mới là thứ đặc biệt nhất của món ăn này.
Người Mường thường băm nhỏ các loại rau thơm, các loại hạt trong vườn nhà lẫn trên rừng như lá lốt, tía tô, bạc hà, đinh lăng cùng hạt dổi, hạt sẻng (còn gọi là mắc khén) để ướp. Khi thịt lợn ngấm gia vị thì cuốn lá bưởi và đem nướng. Chả cuốn lá bưởi hấp dẫn nhờ vị béo ngọt mềm của thịt lợn, mỡ của thịt lợn tạo ra vị béo mà không bị ngấy, quyện với mùi lá bưởi rất hấp dẫn.
Bên cạnh món chả cuốn lá bưởi, món thịt trâu nấu lá lồm (lá giang) cũng rất độc đáo. Thịt trâu sơ chế bằng cách thui trên bếp than cho thơm và hầm cho lớp da bung mềm ra, sau đấy đem ra thái nhỏ, tiếp tục hầm với gạo tấm và lá lồm. Khi chín, món ăn hòa quyện với mùi của lá lồm, tạo nên hương vị độc đáo.
Mâm cỗ lá người Mường có nhiều món khác nhau, thí dụ như thịt gà, thịt lợn luộc, lòng dồi... nhưng thường không thể thiếu chả cuốn lá bưởi, xôi, và cá ốt đồ (ốt là tên dụng cụ hấp thức ăn làm bằng gỗ). Các loại cá trắm, cá chép, cá quả được ướp với muối, hạt tiêu, gừng, xả, ớt, hạt dổi chừng 30 phút cho ngấm sau đó đem trộn với măng, gói đùm vào lá chuối và đặt lên ốt đồ từ 10 đến 12 tiếng. Đã thưởng thức một lần không ai có thể quên mùi vị của các loại gia vị hòa với mùi măng chua của cá ốt đồ. Mâm cỗ lá còn có điểm nhấn là các loại rau rừng như: tầm bóp, rau dớn... và một số loại rau thơm khác. Người Mường cũng thái hoa chuối ăn kèm.
Hiện nay, các khu du lịch tại Ba Vì đều phục vụ các món ăn của đồng bào Mường. Riêng mâm cỗ lá, do sự cầu kỳ nên thường phải đặt trước. Hai địa điểm nổi tiếng về món Mường phải kể đến là Khu du lịch Long Việt (xã Ứng Hòa), Khu du lịch bản Coốc (xã Minh Quang). Trong đó, Khu du lịch bản Coốc là khu du lịch văn hóa cộng đồng, khai thác những nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường. Tại đây khách du lịch còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa, tham gia phiên chợ quê và mua các đặc sản của Ba Vì.