Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông của thành phố nhằm kết nối trung tâm kinh tế lớn nhất phía nam với các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ.
Thành phố đang nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình, đề án tập trung phát triển du lịch đường thủy, phát huy tiềm năng hai bờ sông Sài Gòn để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thương mại, vận tải, du lịch…
Trong đó, đi cùng với nhiệm vụ gia tăng dịch vụ du lịch đường thủy hấp dẫn, cao cấp là tạo điều kiện phát triển sản phẩm du thuyền tại Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại biểu dự toạ đàm. |
Công nghệ đóng tàu của Việt Nam phát triển từ rất sớm và đến nay đã tạo được uy tín, vị trí nhất định trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, phân khúc tàu thuyền giải trí tiêu chuẩn cao lại chưa được chú trọng, trong khi nhiều doanh nghiệp có nguồn lực và khát vọng muốn có môi trường phát triển thông thoáng, lành mạnh cho du thuyền đưa Việt Nam gia nhập thị trường tỷ đô này.
Thời gian qua, thành phố cũng đã ban hành nhiều đề án, chương trình về phát triển kinh tế ven sông nhằm tối ưu, khai thác hiệu quả giá trị to lớn của các dòng sông, đặc biệt là sông Sài Gòn để tạo dựng hệ sinh thái kinh tế ven sông bài bản, bền vững, đem lại lợi ích cho người dân và thành phố.
Phát biểu tại toạ đàm, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần có những cơ chế, chính sách để phát triển vấn đề này song song với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử cho thành phố.
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký hội khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Chúng ta không nên chăm chăm nhìn vào hai bên bờ sông để phát triển bất động sản mà cần nhìn rộng về các lợi ích dọc bờ sông. Khi đó, phát triển không gian dọc bờ sông sẽ tạo được một không gian phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ hiện đại mà không tách rời khỏi nét đẹp văn hóa, bản sắc sông Sài Gòn
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức cho rằng, thực tế, nhu cầu chơi du thuyền những năm gần đây đang phát triển; tuy nhiên, vấn đề là hiện đang thiếu bến neo đậu và dịch vụ cho du thuyền.
Việc đầu tư xây dựng bến du thuyền, chỉnh trang cảnh quan ven bờ sông Sài Gòn và kết hợp tour sông nước là rất cần thiết, đem lại lợi ích kinh tế-xã hội.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng chung nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh muốn phát triển lĩnh vực này cần giải quyết được vấn đề như: mặt bằng đất đai có mặt nước để làm kho, xưởng đóng tàu; tiếp đó là vấn đề giao-nhận, thử thuyền buồm tại Việt Nam đang gặp khó khi mà nhiều doanh nghiệp giao thuyền cho khách đều phải đưa ra các nước thứ 3 để làm thủ tục.
Ngoài ra, vấn đề đăng kiểm cũng là thủ tục mà doanh nghiệp “ngại” khi cần đăng kiểm.