Khai thác không gian vùng bãi sông Hồng

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội (từ xã Phong Vân, huyện Ba Vì đến xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên) được phù sa bồi đắp tạo nên 13 bãi nổi, bãi bồi, với hệ sinh thái tự nhiên và thảm thực vật phong phú. Trước thực trạng người dân "khát" các không gian công cộng, Hà Nội đang hoạch định việc khai thác bãi bồi và vùng ven sông Hồng trở thành các không gian văn hóa, du lịch, môi trường hấp dẫn cho hoạt động cộng đồng và gìn giữ hệ sinh thái bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực bãi giữa sông Hồng nằm trong nội đô Hà Nội. (Ảnh KHIẾU MINH)
Khu vực bãi giữa sông Hồng nằm trong nội đô Hà Nội. (Ảnh KHIẾU MINH)

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, mực nước sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội hiếm khi lên cao khiến nhiều vùng bãi bồi, bãi nổi ven sông trở nên ổn định, biến thành nơi trồng trọt, chăn nuôi và điểm vui chơi, du lịch, dã ngoại, cắm trại tự phát. Những bãi nổi, bãi bồi và dải dất ven sông Hồng suốt chiều dài 120 km trong lòng Hà Nội chứa đựng rất nhiều tiềm năng, nhưng lại chưa được khai thác đúng mức.

Không gian xanh giữa đô thị đang bị lãng phí

Với lợi thế về tự nhiên, nhiều bãi nổi vừa có cảnh quan thiên nhiên sông nước, vừa có hệ động thực vật phong phú. Bãi Tản Hồng và Phú Cường thuộc huyện Ba Vì là một trong những bãi cỏ lau đẹp nhất của Hà Nội với những thảm cỏ lau trắng muốt. Có địa hình bằng phẳng, rộng rãi, địa điểm này thu hút đông người đến cắm trại, check-in ngắm bình minh hay hoàng hôn, trở thành bối cảnh cho các video, clip ca nhạc... vào mỗi dịp tháng 9 hằng năm.

Tương tự, bãi Hồng Hà (huyện Đan Phượng) có nhiều hoạt động cắm trại, thả diều, đá bóng, canh tác nông nghiệp, chăn thả gia súc. Bãi Tứ Liên (nằm trên địa giới bốn quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên và Hoàn Kiếm) thì có vùng diện tích trồng cây ăn quả và canh tác rau màu lớn.

Nhiều vùng bãi sông Hồng ở Hà Nội là điểm dừng chân của các loài chim di cư. Theo khảo sát từ năm 2021 đến nay, vùng bãi sông ghi nhận có 232 loài chim (chiếm khoảng 1/3 tổng số loài chim hiện có ở Việt Nam), trong đó 192 loài di cư. Nhiều loài có quần thể lớn, như ở xã Phú Cường có 820 cá thể dô nách; bãi Phú Cường có 200 cá thể diệc xám và bãi Tự Nhiên có 150 cá thể cắt Amur... Đáng chú ý, Việt Nam là một trong chín tuyến đường bay di cư Đông Á-châu Úc của các loài chim trên thế giới.

Đánh giá về hiện trạng sinh thái các bãi nổi và ven sông Hồng khu vực Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển cho biết: Các bãi nổi, bãi bồi của Hà Nội có hệ sinh thái với các thảm cỏ cao gồm lau sậy, cây bụi và thảm cây gỗ cao mọc tự nhiên. Đây là hệ sinh thái nguyên bản cuối cùng của vùng Đồng bằng sông Hồng, có tính đa dạng lớn, ghi nhận 209 loài thực vật gồm các cây nông nghiệp, cây ăn quả và cây thuốc tự nhiên.

Lợi thế là vậy nhưng vùng bãi nổi và ven sông Hồng đang chịu áp lực phát triển hạ tầng và đô thị hóa. Hoạt động khai thác cát lậu ảnh hưởng đến dòng chảy; việc canh tác nông nghiệp không bền vững, sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu gây ô nhiễm hệ sinh thái vùng bãi và cả dòng sông. Động vật hoang dã bị săn bắt, tận diệt, nhất là vào mùa chim di cư.

Vì vậy, theo các chuyên gia, Hà Nội cần có những biện pháp bảo vệ, khuyến khích hoạt động canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, có biện pháp quản lý, quy hoạch hiệu quả vùng bãi sông Hồng thành những công viên tự nhiên trong lòng thành phố, phát triển các hoạt động du lịch về với thiên nhiên.

Khu bờ vở sông Hồng một mặt tiếp giáp khu dân cư, một mặt giáp mép nước. Đây là khu vực dùng để thoát lũ nên hầu hết bị bỏ hoang, môi trường ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải sinh hoạt, xây dựng, vật liệu tích tụ. Người dân khu vực phường Phúc Tân và Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) tự cải tạo không gian bờ vở thành vườn trồng rau, chăn nuôi; tận dụng các không gian nhỏ hẹp như đường giao thông trước nhà, con đường nghệ thuật Phúc Tân, sân chơi Tổ 16 Phúc Tân, công viên rừng Chương Dương... để tập thể dục và tổ chức các hoạt động cộng đồng; trong khi, khu vực bờ vở có nhiều tiềm năng phát triển chuỗi không gian công cộng gắn với cảnh quan ven sông, cầu Long Biên, khu vực Hồ Gươm và khu vực nội đô lịch sử.

Cần khai thác hệ sinh thái đặc biệt giữa Thủ đô

Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan (Đại học Xây dựng Hà Nội) chia sẻ: Với yếu tố địa hình đặc trưng, dựa vào địa hình tự nhiên, có thể khai thác, kết nối bờ vở sông Hồng với các khu vực kinh tế đêm ở trung tâm Hà Nội, như phố đi bộ Bờ Hồ, cầu Long Biên tạo một vòng sinh thái kinh tế-văn hóa-du lịch, cung cấp thêm các trải nghiệm khám phá cho người dân và du khách. Tuy nhiên, do tình trạng ô nhiễm và thiếu giải pháp tổng thể nên khu vực bờ vở sông Hồng hiện chưa phát huy hết tiềm năng. Hiện nay, điều cần làm trước tiên là phải khơi thông dòng chảy, dọn rác và xử lý nước thải. Từ đó, khai thác khu bờ vở thành một mảnh ghép sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên, kết nối với sông Hồng với tuyến phố đi bộ Hồ Gươm-chợ Long Biên-cầu Long Biên, và sau này là kết nối với khu bãi giữa.

Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai vườn cộng đồng Triêm Tây và kè sinh thái ven sông Thu Bồn (Quảng Nam), tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Anh Đào cho thấy sự tương đồng giữa dòng sông Thu Bồn của thành phố Hội An và dòng sông Hồng của Thủ đô Hà Nội. Khoảng những năm 2000, tại xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, thực trạng ngôi làng ven sông cũng đìu hiu, đất đai, vườn tược bị bỏ hoang. Hằng năm, lũ về làm bờ sông sạt lở, lấy đi không ít đất đai của làng khiến người dân phải di dời nơi ở và thay đổi sinh kế.

Đề án thiết lập trang trại An Nhiên ngay ven sông, nghiên cứu kè chống sạt lở bằng thảm thực vật tự nhiên của kiến trúc sư Ngô Anh Đào đã được chính quyền địa phương ủng hộ. Không gian 6.000 m2 ở bãi bỏ hoang được sử dụng làm vườn cộng đồng, làm bờ kè ba lớp, mỗi lớp trồng nhiều loài thực vật khác nhau, bảo vệ được cả một dải đất dọc bờ sông.

Mỗi hộ gia đình ở bãi ven sông có một luống vườn trong vườn cộng đồng. Họ thành lập hợp tác xã có 22 thành viên, cùng làm việc với nhóm tình nguyện viên và làm kè sinh thái bảo vệ, ngăn chặn sự sạt lở của bờ sông. Sau hai năm, không gian bị lãng quên bên bờ sông Thu Bồn đã trở thành không gian sinh thái sống động, khuyến khích cộng đồng chung tay góp sức gìn giữ. Những người từng phải rời làng ra Hội An hay Đà Nẵng kiếm việc làm, nay đã quay về cùng gia đình tu sửa nhà cửa, làm dịch vụ homestay.

Với giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học nổi bật, không gian sinh thái ven sông Hồng có thể khai thác, phát triển công viên bờ sông, hội chợ triển lãm xanh, phát triển vùng nông nghiệp bản địa, trở thành không gian lý tưởng cho cộng đồng phục vụ nghiên cứu, giáo dục và trải nghiệm. Việc quy hoạch bài bản, quản lý vùng bãi theo hướng thân thiện và bền vững, vừa bảo tồn hệ sinh thái, vừa tăng diện tích không gian công cộng cho người dân sẽ góp phần cân bằng nhịp sống trong thành phố đông đúc, chật chội như Hà Nội.

Từ kinh nghiệm các dự án công viên ven sông có đặc điểm thủy văn, điều kiện ô nhiễm tương đồng (từng là bãi rác, khu ổ chuột bỏ hoang và các công trình thủy lợi, vùng đất ngập nước hay kiểm soát lũ lụt...) đã thành công ở Trung Quốc (như: Tanghe, Thanh Đảo-Hà Bắc; Houtan ven sông Hoàng Phố-Thượng Hải), các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cũng sẽ thành công khi biết khai thác hợp lý khu vực bãi nổi và ven sông Hồng.