Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh

Các cuộc giao ban về khoa học-công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đã giúp tỉnh Cao Bằng tăng cường liên kết và trao đổi, học tập kinh nghiệm ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với các tỉnh trong khu vực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra vườn ươm lan dược liệu tại xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng).
Kiểm tra vườn ươm lan dược liệu tại xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng).

Những năm qua, kinh tế Cao Bằng cơ bản ổn định và liên tục phát triển với nhịp độ tăng trưởng hơn 5%/năm. Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân đạt hơn 10%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân kinh tế cửa khẩu đạt 19,45%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp đạt 12,6%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,11% hằng năm.

Trong năm 2023 và chín tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Cao Bằng tiếp tục có sự phục hồi và phát triển tích cực. Ðến hết năm 2023, so với năm 2020, GRDP bình quân đầu người của tỉnh tăng 16%; giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích tăng 15%.

Những kết quả nêu trên có sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực khoa học và công nghệ. Thông qua triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã giúp tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. Nhiều dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được triển khai và phát huy hiệu quả, gắn với thực tiễn, có tính cấp thiết, phù hợp điều kiện đặc thù của từng địa phương.

Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng

Cùng với đó, tỉnh đã nghiên cứu phục tráng và phát triển các giống cây trồng đặc sản của địa phương, đưa các loại giống cây trồng mới cho năng suất chất lượng cao, phù hợp điều kiện từng vùng miền. Qua triển khai đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp hương Bảo Lạc và Pì Pất Cao Bằng” đã phục tráng hai giống lúa nêu trên bảo đảm theo quy trình sản xuất giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, tạo ra sản phẩm giống lúa nguyên chủng năng suất bình quân đạt 46 tạ/ha, cao hơn giống cũ 20%; hoàn thiện được quy trình sản xuất giống lúa nguyên chủng và quy trình thâm canh sản xuất lúa để chuyển giao cho địa phương áp dụng, vì vậy năng suất và chất lượng lúa được nâng cao rõ rệt.

Một số giống cây ăn quả đặc sản của Cao Bằng được tỉnh đặt hàng với các viện nghiên cứu trung ương để nghiên cứu, đưa ra giải pháp kỹ thuật. Trên cơ sở các đề tài, như: “Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng và phát triển giống cam quýt vùng Hòa An, Cao Bằng”, “Nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh”, “Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam, quýt theo hướng sản xuất hàng hóa”, nghiên cứu “Ứng dụng saponin kết với chitosan và axit axetic tạo màng sinh học, nhằm kéo dài thời gian bảo quản và giữ được các đặc tính đặc trưng của quả quýt Cao Bằng”... đã giúp năng suất tăng lên rõ rệt. Năng suất cam tăng từ 12,5 tấn/ha lên 22 tấn/ha, năng suất quýt từ 10 tấn/ha lên 15 tấn/ha, thu nhập tăng 1,4 lần.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Cao Bằng chưa đồng bộ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Số lượng đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh còn hạn chế. Kinh phí đầu tư cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn hẹp, hiệu quả chưa cao.

Thời gian qua, các cuộc giao ban khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đã giúp Cao Bằng tăng cường liên kết với các tỉnh; trao đổi, học tập kinh nghiệm trong ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát huy tiềm năng, thế mạnh, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống người dân với các tỉnh trong khu vực. Ðây cũng là dịp để tỉnh quảng bá, giới thiệu về sản vật đặc hữu, sản phẩm khoa học-công nghệ đến bạn bè cả nước, qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp trẻ của tỉnh tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra một số giải pháp nhằm giúp Cao Bằng cũng như các tỉnh trong vùng đạt được nhiều thành tựu, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước như: Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thúc đẩy khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương; tham mưu cấp thẩm quyền ưu tiên bố trí kinh phí, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ địa phương; tăng cường đầu tư tiềm lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tại địa phương để đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội…